Lan tỏa giá trị Hồ Chí Minh tới cộng đồng quốc tế
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới chuyển biến phức tạp hiện nay, những giá trị to lớn về tư tưởng, văn hóa Hồ Chí Minh cần được tôn vinh, lan tỏa trong cộng đồng quốc tế…
Ngày 25/2, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện các hoạt động “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài”.Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu thống nhất nhận định, việc đẩy mạnh tôn vinh Bác ở nước ngoài sẽ làm phát triển, sâu sắc thêm quan hệ nhiều mặt và lĩnh vực giữa Việt Nam với các nước.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, trong 10 năm qua, việc tôn vinh Bác đã đạt nhiều kết quả tích cực và được triển khai ở khắp các châu lục thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hình thức tôn vinh Bác được triển khai đa dạng phong phú ở cả góc độ vật thể và phi vật thể.
Đặc biệt, 94/94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đều có các hoạt động, sự kiện có liên quan tới việc tôn vinh Bác với quy mô, phạm vi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nước sở tại.
Tại nhiều địa bàn, các hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các chính đảng, giới học giả, truyền thông và phát huy được hiệu quả tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, nhân cách và sự thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới cả hai góc độ là anh hùng giải phóng dân tộc, và nhà văn hóa kiệt xuất.
Theo ông Trung, hiện đã có một số nước như: Nga, Mông Cổ, Triều Tiên, Mexico, Cuba đặt tên trường lớp mang tên Bác. Còn riêng tên đường phố, hiện đã có gần 20 con đường, đại lộ mang tên Bác tại các nước như: Pháp; Nga; Ấn Độ; Angola.
“Các hoạt động tôn vinh Bác được triển khai ở nước ngoài thời gian qua đã góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ chính trị về học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với cán bộ đảng viên ở nước ngoài. Qua đó mỗi cán bộ, nhân viên đều nắm vững phương châm dĩ bất biến, ứng vạn biến, kiên quyết, khéo léo bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Trong tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở sở tại luôn thể hiện tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân phục vụ, ngăn ngừa hạn chế hiện tượng tự diễn biến, tự chuyển hóa”-ông Trung nói.
Nhấn mạnh đến việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thực chất chính là đề cao và phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Bác, đồng thời việc tôn vinh Bác cũng giúp tôn vinh đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế, ông Nguyễn Mạnh Cường- Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương cho rằng, hình ảnh của Bác đã góp phần quảng bá đến bạn bè quốc tế một cách chân thực, sống động và thuyết phục về lịch sử hào hùng, văn hóa độc đáo, đất nước tươi đẹp hội nhập phát triển và con người Việt Nam thân thiện yêu chuộng hòa bình.
Theo ông Cường, việc tôn vinh các hoạt động của Bác ở nước ngoài được triển khai ở nhiều kênh, hình thức khác nhau trong đó có kênh đối ngoại của Đảng và đối ngoại của nhân dân để tuyên truyền về các giá trị tư tưởng của Người. Do đó việc đẩy mạnh tôn vinh Bác ở nước ngoài sẽ làm phát triển, sâu sắc thêm quan hệ nhiều mặt và lĩnh vực giữa Việt Nam với các nước.
Ông Cường nhấn mạnh, Việc chính quyền sở tại các nước ủng hộ, hưởng ứng các hình thức tôn vinh Bác sẽ càng góp phần làm cho chính quyền, các giới và nhân dân sở tại hiểu rõ hơn về tư tưởng, đạo đức và nhân cách của Người, cũng như hiểu được con đường chính nghĩa mà Bác đã xây dựng cho cách mạng Việt Nam hiện đang được toàn Đảng, toàn dân tiếp bước.
Ông Nguyễn Dy Niên - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khái quát, nói đến Bác thứ nhất là nói đến “nhân”. Nhân chính là nhân cách, nhân loại. Thứ hai là “trí”, tức là tư tưởng của Bác về tập hợp tinh hoa nhất của trí tuệ nhân loại. Bác luôn hài hòa, kết nối nhiều vấn đề tư tưởng khác nhau lại để thế giới có sự hòa hình, hợp tác.
Thứ ba là “dũng”, dù tay không, chẳng có gì nhưng Bác dám đưa ra 10 điều yêu sách đối với các nước đế quốc. “Sự dũng cảm, hy sinh hết cuộc đời mình để cống hiến cho dân tộc. Vì vậy một nhà văn hóa lớn của Trung Quốc đã nói: Hồ Chí Minh là một người đại trí, đại nhân, dại dũng. Cho nên chúng ta cần nghiên cứu, tìm những giá trị phổ biến trong tư tưởng của Người để phổ biến đến toàn cầu”-ông Niên nói.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định, tổ chức tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh làhoạt động rất có ý nghĩa trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta đang hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người; 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Theo Phó Thủ tướng, năm 1987, UNESCO đã ra Nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Việc UNESCO có Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng lớn lao, thể hiện sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, đặc biệt là ở các dân tộc thuộc địa; đồng thời tôn vinh, đề cao lý tưởng cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc và khát vọng của Người về một thế giới hòa bình, bình đẳng, hạnh phúc.
Đề cập đến việc trong điều kiện hiện nay tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến phức tạp với nhiều tác động đa chiều, cơ hội và thách thức đan xen, trong bối cảnh đất nước đang đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, Phó Thủ tướng cho rằng, những giá trị to lớn về tư tưởng, văn hóa, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng cần được tôn vinh, truyền tải, lan tỏa rộng rãi, đặc biệt trong cộng đồng quốc tế và các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài.
Hoạt động này cũngmang ý nghĩa để các thế hệ người Việt Nam cả trong và ngoài nước củng cố và phát huy niềm tự hào dân tộc, cũng như để thế giới ngày càng biết đến nhiều hơn hình ảnh Việt Nam, đất nước với lịch sử hào hùng, yêu chuộng hòa bình, kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia,chủ động và tích cực hội nhập là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Phương Thảo