1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lần đầu Việt Nam có “Sách trắng” về tội phạm

(Dân trí) - Báo cáo về tình hình tội phạm năm 2015 do VKSND tối cao thực hiện vừa qua được giải thích là bước khởi đầu trong việc biên soạn “sách trắng” về tội phạm hàng năm. “Sách trắng” đầu tiên ban hành năm nay nhấn mạnh tình hình, số lượng án tham nhũng giảm nhưng bị can bị khởi tố trong các tội phạm về chức vụ lại tăng…

Viện trưởng VKSND Nguyễn Hòa Bình, người ký báo cáo về tình hình tội phạm năm 2015 cho biết, tài liệu này được dựa trên kinh nghiệm biên soạn Sách trắng về tội phạm của một số nước cũng như việc biên soạn Sách trắng của một số bộ, ngành ở Việt Nam. Và đây cũng là bước khởi đầu để VKSND tối cao biên soạn Sách trắng về tội phạm hằng năm.

Theo cơ quan biên soạn, tài liệu cung cấp một bức tranh tổng thể về tình hình tội phạm trong phạm vi cả nước và từng địa phương, diễn biến tội phạm từ 2010 đến nay, chỉ số tội phạm và sự tăng giảm chỉ số này ở từng địa phương.

“Sách trắng” còn cung cấp thông tin về tình hình tội phạm theo từng chương và một số điều của Bộ luật Hình sự, việc áp dụng hình phạt tại tòa án cấp sơ thẩm…

Cụ thể, “sách trắng” về tội phạm năm 2015 cho thấy, tổng số vụ án đã khởi tố trên toàn quốc là 72.450 với 109.096 bị can (chiếm tỷ lệ 0,15% so với tổng dân số có độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự).

Từ 2010 đến 2013, cả số vụ bị khởi tố và số bị can đều năm sau cao hơn năm trước, nhưng đến 2014 và nhất là 2015 thì đã giảm khá nhiều, tương ứng số vụ giảm 7,54% và số bị can là 10,59%.

Trong số nhiều tội không khởi tố trong năm nay có tội phản bội tổ quốc, tội đầu cơ, tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế…

 

Nhận định chung về tình hình diễn biến tội phạm tham nhũng trong năm 2015 được nêu ra trong sách trắng là số vụ án khởi tố giảm nhưng số bị can bị khởi tố lại tăng, tức tính chất mỗi vụ án phức tạp hơn, nhiều đối tượng tham gia hơn.
Nhận định chung về tình hình diễn biến tội phạm tham nhũng trong năm 2015 được nêu ra trong "sách trắng" là số vụ án khởi tố giảm nhưng số bị can bị khởi tố lại tăng, tức tính chất mỗi vụ án phức tạp hơn, nhiều đối tượng tham gia hơn.

Về nhóm tội phạm tham nhũng, “sách trắng” nêu nhận định khái quát là tham nhũng “có xu hướng giảm”.

Tham ô tài sản là một tội danh có số lượng vụ án khởi tố được xếp hạng cao trong nhóm tội tham nhũng với 84 vụ án và 139 bị can trong khi con số tương tự ở năm trước là 135 và 231. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ chỉ khởi tố 44 vụ (2014 là 59 vụ) với 208 bị can.

Đáng chú ý là thông tin trong 6 năm, cơ quan chức năng chỉ khởi tố 1 vụ, 0 bị can với tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Với phần các tội phạm khác về chức vụ, “sách trắng” tội phạm lần đầu tiên được thực hiện nêu tổng số vụ việc đã khởi tố trong 6 năm là 216 vụ, 574 bị can, tăng 7 bị can so với năm trước.

Với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, thông tin cụ thể là năm 2015 khởi tố 14 vụ án và 59 bị can, còn con số tương ứng của năm trước là 8 vụ và 54 bị can.

Tội đưa hối lộ giảm so với năm trước, chỉ có 11 vụ và 19 bị can bị khởi tố, trong khi 2014 là 15 vụ và 28 bị can.

“Sách trắng” cũng thống kê, từ 2010 – 2015, cơ quan chức năng chỉ khởi tố 5 vụ đối với tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.

Về hình phạt đã áp dụng, thông tin cụ thể là năm 2015 tòa án đã xét xử sơ thẩm 618 bị cáo về các tội phạm về chức vụ (bao gồm cả tội phạm về tham nhũng) trên tổng số 106.078 bị cáo đã xét xử sơ thẩm, chiếm 0,58%. 116 bị cáo trong số này được hưởng án treo, chiếm 18,77%, giảm 1,65% so với tổng số bị cáo được hưởng án treo trung bình trên toàn quốc.

Cơ cấu hình phạt áp dụng đối với các tội phạm tham nhũng trong 6 năm qua được VKSND Tối cao đánh giá là có sự khác biệt rõ rệt. Cụ thể, hình phạt dưới 15 năm tù chiếm tỷ lệ cao nhất (66,5% với 2.252 bị cáo), cao thứ hai là hình phạt cho hưởng án treo (923 bị cáo), tiếp đến là khung hình phạt trên 15 năm tù (với 141 bị cáo), xếp thứ tư là nhóm hình phạt cải tạo không giam giữ (với 33 vị cáo), thứ năm là  hình phạt tù chung thân (với 28 bị cáo) và thấp nhất là hình phạt tử hình (với 9 bị cáo).

Cơ quan biên soạn “sách trắng” cũng cho thấy, tỷ lệ áp dụng án treo đối với các loại tội phạm tham nhũng luôn luôn lớn hơn so với các loại tội phạm khác (trừ 2015).

P.Thảo