1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lai Châu lại đối mặt với mưa lũ, 8 người vẫn còn mất tích

(Dân trí) - Hiện nay, các tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có Lai Châu đang đối mặt với đợt mưa lũ mới, trong khi đó, tại tỉnh Lai Châu vẫn còn 8 người mất tích trong đợt mưa lũ, sạt lở đất trước đó.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của vùng xoáy thấp hoạt động mạnh dần lên trên khu vực phía Bắc các tỉnh Bắc Bộ, từ ngày 7-7/7, ở Bắc Bộ có mưa rào và giông diện rộng, khu vực vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to; riêng các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang và Yên Bái có mưa rất to và giông (thời gian có mưa to đến rất to tập trung vào đêm và sáng sớm)

Từ ngày 8-10/7, trên thượng lưu sông Đà, sông Thao và sông Lô sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3-4m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao và sông Lô có khả năng ở mức báo động 1.

Cảnh báo: Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn. (Cần chú ý theo dõi Thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp huyện trong các bản tin nhanh cảnh báo lũ quét, sạt lở đất)

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi Bắc Bộ: Cấp 1;riêng ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang và Yên Bái: cấp 2.

Lai Châu lại đối mặt với mưa lũ, 8 người vẫn còn mất tích.
Lai Châu lại đối mặt với mưa lũ, 8 người vẫn còn mất tích.

Sáng nay (7/7), trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hà Văn Um - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh này vẫn còn 8 người mất tích trong đợt mưa lũ, sạt lở đất trước đó.

"Mới đây do một do gia đình thông báo là xác định người thân của họ đã tử vong và mất tích nên yêu cầu không tìm kiếm nữa, chính vì vậy số người mất tích trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ còn 8. Tỉnh vẫn bố trí lực lượng công an, quân đội để tìm kiếm số người mất tích này, nhưng do đất đá sạt lở xuống vùi rất sâu nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn" - ông Um cho biết.

Cũng theo ông Um, hiện nay các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã cơ bản được khắc phục, thông tuyến tới các xã. Toàn tỉnh Lai Châu chỉ còn một vài bản là giao thông đi lại còn khó khăn, nhưng chỉ phải đi bộ một đoạn ngắn là có thể vào được bản.

Đợt mưa lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh Lai Châu vừa qua đi đã làm 17 người chết, 8 người mất tích, thiệt hại hơn 410 tỷ đồng.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND tỉnh Lai Châu vừa có công điện hỏa tốc về việc ứng phó với tình hình mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các đơn vị liên quan khẩn trương chỉ đạo khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ trước để lại, triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó, khắc phục kịp thời thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất gây ra trong thời gian tới.

Theo dõi diễn biến mưa lũ, cảnh báo kịp thời, đầy đủ, chính xác đến người dân để chỉ đạo, ứng phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Khẩn trương rà soát, huy động các lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét, chân các ta luy đồi có nguy cơ sạt lở đất; chỉ đạo khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; tuyên truyền, nhắc nhở, kiên quyết không để nhân dân vớt củi, bắt cá, lội qua suối khi đang có mưa lũ.

Nguyễn Dương