Thanh Hóa:

Kiểm điểm 47 tập thể, cá nhân yếu kém trong quản lý đất nông lâm trường

(Dân trí) - Liên quan đến những hạn chế, yếu kém trong quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường (N-LT), có 24 tập thể và 23 cá nhân tại Thanh Hóa bị kiểm điểm với hình thức rút kinh nghiệm sâu sắc.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa vừa báo cáo kết quả thực hiện kết luận của Chủ tịch HĐND tỉnh tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII.

Kiểm điểm 47 tập thể, cá nhân yếu kém trong quản lý đất nông lâm trường - 1
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa vừa báo cáo kết quả thực hiện kết luận của Chủ tịch HĐND tỉnh tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII.

Theo đó, đối với việc khắc phục hạn chế, yếu kém trong quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ N-LT, hoàn thành việc thu hồi đất có nguồn gốc từ các N-LT bàn giao cho địa phương quản lý xong trước ngày 30/12/2019.

Về sắp xếp, đổi mới và phát triển các N-LT quốc doanh, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thu hồi gần 8.900 ha đất của các N-LT để bàn giao cho địa phương quản lý.

Việc thống kê, xác định cụ thể vị trí, ranh giới giải quyết dứt điểm việc tranh chấp, lấn chiếm, xâm canh, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn đất không đúng quy định của pháp luật tại các Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH), các Công ty nông, lâm nghiệp sẽ hoàn thành trước ngày 30/3/2020.

Hiện nay tại các BQLRPH, các Công ty nông, lâm nghiệp có khoảng hơn 4.800 ha đất đang bị xâm canh, đất cấp trùng, lấn chiếm, đất không còn nhu cầu sử dụng. Diện tích này, dự kiến tiếp tục sẽ bàn giao về cho địa phương quản lý.

Kiểm điểm 47 tập thể, cá nhân yếu kém trong quản lý đất nông lâm trường - 2
Còn xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, xâm canh, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn đất không đúng quy định của pháp luật tại các Ban quản lý rừng phòng hộ.

Trong khi nhu cầu đất mà UBND các huyện: Quan Sơn, Như Xuân, Bá Thước, Mường Lát, Lang Chánh, Cẩm Thủy... đang đề nghị thu hồi bàn giao cho địa phương quản lý là 5.404,5 ha.

Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Tài nguyên và Môi (TN-MT) trường phối hợp với các ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan rà soát, thống kê cụ thể vị trí, ranh giới khu đất để tham mưu giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên.

Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 12 BQLRPH, 1 Trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm và dịch vụ cây trồng thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đang quản lý gần 83.000 ha đất và 7 Công ty TNHH, 2 Công ty lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng gần 26.000 ha đất.

Qua báo cáo kết quả hoạt động tài chính của các công ty cho thấy, mặc dù diện tích các loại đất được nhà nước giao lớn nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế đất đai.

Cụ thể, doanh thu của 7 Công ty nông, lâm nghiệp năm 2015 là gần 246 tỷ đồng, năm 2018 tăng lên hơn 363 tỷ đồng; lợi nhuận của 7 công ty năm 2015 đạt gần 947 triệu đồng, đến năm 2018 các công ty thông báo lỗ gần 4,3 tỷ đồng.

Kiểm điểm 47 tập thể, cá nhân yếu kém trong quản lý đất nông lâm trường - 3
Hàng nghìn hộ dân miền núi thiếu đất ở.

Đối với Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ do giá mủ cao su xuống thấp, không có khai thác, không có nguồn thu. Còn với 2 Công ty lâm nghiệp Cẩm Ngọc, Lang Chánh hiện nay đang được các Bộ, Ngành trung ương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới.

Đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo, thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, qua rà soát, còn có 3.987 hộ chưa  có đất ở; 4.527 hộ có đất ở từ 200 m2 trở xuống và 2.452 hộ có đất ở từ trên 200 m2 đến dưới 400 m2.

Tại 11 huyện miền núi có 3.193 hộ chưa có đất sản xuất, 9.030 hộ có đất sản xuất dưới 5.000 m2; 2.465 hộ có đất sản xuất từ 5.000 m2 - dưới 10.000 m2; 1.603 hộ có đất sản xuất từ 10.000 m2 - dưới 15.000 m2...

Tại 7 huyện giáp ranh có xã miền núi, có 186 hộ chưa có đất sản xuất, 1.129 hộ có đất sản xuất dưới 3.000 m2; 286 hộ có đất sản xuất từ 3.000 m2 - dưới 6.000 m2...

Ban Dân tộc, Sở TN-MT đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố để xây dựng tiêu chí định mức đất sản xuất phù hợp với điều kiện, quỹ đất của tỉnh, làm cơ sở xây dựng kế hoạch, lộ trình giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân còn thiếu theo quy định.

Về kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra sai phạm, hạn chế, yếu kém trong quản lý, sử dụng đất đai tại các Công ty nông, lâm nghiệp, BQLRPH.

Kiểm điểm 47 tập thể, cá nhân yếu kém trong quản lý đất nông lâm trường - 4
Mặc dù diện tích các loại đất được nhà nước giao lớn nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế đất đai.

Tất cả các BQLRPH, các ngành và UBND các huyện, thị xã có đất của các N-LT đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch HĐND tỉnh.

Cụ thể có 24 tập thể đã kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm (Sở TN-MT 2 tập thể; Sở NN&PTNT 5 tập thể; UBND huyện Thọ Xuân 10 tập thể; UBND huyện Quan Sơn 2 tập thể; UBND huyện Ngọc Lặc, Bá Thước, Tĩnh Gia, Thạch Thành và UBND thị xã Bỉm Sơn mỗi đơn vị 1 tập thể).

Đồng thời, có 23 cá nhân thuộc Sở NN&PTNT, Sở TN-MT, UBND các huyện Mường Lát, Như Xuân đã kiểm điểm trách nhiệm với hình thức rút kinh nghiệm sâu sắc.

Duy Tuyên