1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng TN&MT:

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu

(Dân trí) - "Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới, được coi là đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai do biến đổi khí hậu, mỗi năm phải hứng chịu bão nhiệt đới với tần suất và cường độ ngày càng tăng" - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết.

Hôm nay, 28/2, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), được sự ủy quyền của Bộ TN&MT, Trung tâm Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia phối hợp với Ủy ban Bão quốc tế tổ chức khai mạc Khóa họp thường niên lần thứ 50 của Ủy ban Bão quốc tế và các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập Ủy ban Bão quốc tế.

Quang cảnh khóa họp.
Quang cảnh khóa họp.

Trong 50 năm qua, dưới sự bảo trợ của UNESCAP và WMO, Ủy ban Bão với các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng chuyên ngành về bão đã đóng vai trò đặc biệt trong việc giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản, giảm thiểu các tác động xã hội, kinh tế và môi trường do các thảm họa liên quan đến bão gây ra.

Từ phiên họp đầu tiên được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan năm 1968 có 7 nước và vùng lãnh thổ tham gia, cho đến nay Ủy ban Bão đã có 14 nước thành viên bao gồm: Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hongkong, Nhật Bản, Lào, Macao Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Triều Tiên, Singapore, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực hình thành bão lớn nhất thế giới và cũng là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi các cơn bão nhiệt đới. Từ khi thành lập đến nay, các nước thành viên Ủy ban Bão luôn thực hiện các cam kết tầm quốc gia trong hợp tác đa phương với các nước thành viên để giảm thiểu các rủi ro và thiệt hại chung từ bão.

Phát biểu tại khóa họp nói trên, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới, được coi là đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai do biến đổi khí hậu, mỗi năm phải hứng chịu bão nhiệt đới với tần suất và cường độ ngày càng tăng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, từ khi chính thức là thành viên của Ủy ban Bão quốc tế năm 1979, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của Ủy ban Bão và đóng góp sức vào nhiều hoạt động hiệu quả với sự hỗ trợ của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Khí tượng Thế giới, Ủy ban Bão và các nước thành viên.

Việt Nam cũng là thành viên trách nhiệm của Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu, luôn chung tay cùng với cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã thực hiện chương trình và ban hành nhiều chính sách quan trọng. Đặc biệt, Luật Khí tượng Thuỷ văn ban hành năm 2015 tạo cơ sở quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các hoạt động khí tượng thuỷ văn, đóng góp vào sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế xã hội. Luật cũng đã tạo hành lang pháp lý đối với các hoạt động khí tượng thuỷ văn trong phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ con người, tài sản và sự phát triển bền vững của đất nước.

"Nhân dịp này, tôi rất vui mừng thông báo Chính phủ Việt Nam mới đây đã quyết định Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Việt Nam sẽ chính thức trở thành Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ kể từ tháng 3 năm 2018. Tôi rất tin tưởng rằng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam sẽ có đóng góp nhiều hơn nữa trong các hoạt động của Uỷ ban Bão, tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế để sẵn sàng phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với thiên tai" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Tại khóa họp, Giáo sư Petteri Taalas - Tổng Thư ký Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) cho biết, để tiến xa hơn trong tương lai, WMO đang xây dựng kế hoạch về một hệ thống thông tin dịch vụ nhằm cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo có thẩm quyển để phục vụ cho tất cả các bên liên quan cũng như toàn thể cộng đồng. Trên tinh thần đó, tôi rất vinh dự chia sẻ với các bạn rằng WMO đang phát triển Hệ thống Cảnh báo Đa thiên tai Toàn cầu (GMAS), đây sẽ là một thành phần quan trọng của hệ thống thông tin dịch vụ WMO. Tôi xin kêu gọi Uỷ ban bão đóng góp vào sự phát triển của WMO GMAS.

Nguyễn Dương