1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không minh bạch, khó chống tham nhũng

(Dân trí) - Tăng cường tính minh bạch, đẩy mạnh sự tham gia của xã hội dân sự, cơ quan truyền thông đại chúng… là cách để nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, đại sứ Thụy Điển Rolf Berman nhấn mạnh.

Không minh bạch, khó chống tham nhũng - 1
Đối thoại phòng, chống tham nhũng nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ.
 
Hội thảo “Đối thoại về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản” tổ chức ngày 29/5 tại Hà Nội đã dành nhiều thời gian thảo luận các nội dung nói trên.

 

Đại sứ Thụy Điển Rolf Berman khẳng định, cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ rất vui mừng khi Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc soạn thảo luật tiếp cận thông tin, đặc biệt là ban hành “Chiếc lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020” vào ngày 12/5 vừa qua.

 

Theo ông Rolf Berman, luật pháp, chiến lược và chính sách tốt là rất cần thiết, nhưng chúng sẽ không có ý nghĩa gì trừ khi chúng được tuân thủ và thực hiện có hiệu quả. Điều này đúng về khía cạnh cải cách hành chính nói chung và đặc biệt đúng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

 

Một vấn đề được cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ đồng thuận trong buổi đối thoại là việc minh bạch và công bố thông tin trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (như quy trình đấu thầu, giám sát thi công, sử dụng vốn, nghiệm thu, thanh toán khối lượng xây lắp…) cần được gia tăng mạnh mẽ hơn. Đại diện Ngân hàng Thế giới khẳng định, sự minh bạch sẽ tạo ra thay đổi lớn trong nhận thức của người thực hiện cũng như người giám sát.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho rằng, gia tăng tính minh bạch và xác định vai trò xã hội dân sự gần đây được Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm. Ông Truyền đánh giá thể chế, chính sách do Việt Nam xây dựng trong phòng, chống tham nhũng tương đối đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp quốc. Nhưng theo ông, khi đi vào thực hiện thể chế, chính sách thì vẫn có khoảng cách, do đó phải tiếp tục hoàn thiện hơn.

 

Ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho hay, ngoài việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về “Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020”, Chính phủ Việt Nam đang xúc tiến các bước chuẩn bị phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng.

 

Trong khoảng thời gian hơn 4 giờ đồng hồ, đại diện Chính phủ đã lắng nghe tất cả các ý kiến của đại diện các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ và đối thoại thẳng thắn. Trả lời không né tránh tất cả các vấn đề mà nhà tài trợ quan tâm từ quyết tâm chính trị, xây dựng thể chế đến tiến trình, kết hợp xử lý tham nhũng trên thực tế, như đánh giá của Đại sứ Thụy Điển Rolf Berman: “Buổi đối thoại chính là cách mà chúng ta cùng nhau tìm ra các biện pháp hỗ trợ nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam một cách hiệu quả nhất”.

Trao đổi bên lề buổi đối thoại, Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền cho biết, liên quan tới vụ đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TPHCM, đầu tháng 5/2009 cơ quan tư pháp Việt Nam đã nhận được nhiều tài liệu từ phía Nhật Bản để phục vụ cho việc chứng minh, làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ của ông Huỳnh Ngọc Sỹ và ông Lê Quả.

Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là rất kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, nhưng cũng thể hiện tính thận trọng, khách quan và tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. 

Sông Lam