Không “ấn định” triết lý giáo dục trong luật

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT tiến hành thu thập hơn 1 triệu lượt ý kiến góp ý về dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi). Kết quả việc lấy ý kiến, cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự luật thống nhất hướng không làm một chương hay một điều luật riêng về triết lý giáo dục mà lồng ghép thể hiện trong các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý giáo dục…

phung xuan nha 2.jpg

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết có hơn 1 triệu lượt ý kiến góp ý cho luật giáo dục sửa đổi được thu thập

 

Chiều 21/2, báo cáo trước UB Thường vụ Quốc hội, thay mặt cho Chính phủ, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày kết quả lấy ý kiến nhân dân góp ý luật Giáo dục (sửa đổi).

Về quy định triết lý giáo dục, người đứng đầu cơ quan tổ chức lấy ý kiến cho biết, có 2 nhóm ý kiến. Đa số các ý kiến góp ý  cho rằng dự thảo luật không cần một chương hay điều luật riêng có tên là “triết lý giáo dục” và triết lý giáo dục đã được thể hiện trong các quy định về mục tiêu của giáo dục, tính chất, nguyên lý giáo dục, yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục và phát triển giáo dục của dự thảo luật. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo luật cần phải tiếp tục hoàn thiện quy định tại các  điều luật nói trên cho phù hợp với Nghị quyết số 29 của Trung ương và Hiến pháp 2013 về vấn đề này.

Ý kiến khác đề nghị hợp nhất Điều 2 (Mục tiêu giáo dục) và Điều 3 (Tính chất, nguyên lý giáo dục) thành một điều gọi là “Triết lý giáo dục”.

Chính phủ tiếp thu nhóm ý kiến thứ nhất, hứa sẽ tiếp tục hoàn thiện các điều thể hiện triết lý giáo dục trong dự thảo luật. 

Nêu ý kiến về vấn đề này, thương trực UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của  Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự luật) bày tỏ quan điểm cơ bản tán thành với Chính phủ và cho rằng, giáo dục Việt Nam đã và đang vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục được hình thành và phát triển qua các thời kỳ cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Triết lý này thể hiện rõ trong các quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển giáo dục, được thể chế hóa thành các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục về mục tiêu, tính chất, nguyên lý, quan điểm phát triển giáo dục .

Thường trực UB Văn hoá, Giáo dục cho rằng, triết lý giáo dục là tư tưởng định hướng còn luật là những quy định có tính nguyên tắc, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giáo dục. Theo đó, rất khó để quy định cụ thể triết lý giáo dục trong một điều khoản của luật.

Nghiên cứu luật giáo dục một số nước trên thế giới cho thấy, việc thể hiện tư tưởng triết lý giáo dục của các nước rất đa dạng nhưng hầu hết các luật không quy định riêng về triết lý giáo dục mà được thể hiện thông qua những quy định về mục đích, sứ mệnh, mục tiêu và nguyên lý giáo dục.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra nhất trí với việc không quy định triết lý giáo dục thành một điều khoản riêng mà sẽ thể hiện lồng ghép trong các quy định chung về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam sẽ được thể hiện xuyên suốt trong các quy định khác của dự thảo luật này.

Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo, có 2 nhóm ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến nhất trí với Điều 30 của dự thảo Luật, theo hướng luật hóa đường lối, chủ trương của Nghị quyết 29 của Trung ương và pháp điển hóa, kế thừa những nội dung phù hợp của Nghị quyết số 88 năm 2013 của Quốc hội (một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa – PV).

Nhóm  ý kiến khác đề nghị chương trình giáo dục phổ thông nên thống nhất trong cả nước, không đồng ý mỗi môn học có một số sách giáo khoa, không đồng ý xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.

Chính phủ nhất trí với ý kiến của đa số những người được lấy ý kiến như nhóm thứ nhất.

phan thanh binh.jpg

Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình nêu ý kiến về một số vấn đề được lấy ý kiến người dân về luật giáo dục sửa đổi

 

Cơ quan thẩm tra thể hiện quan điểm tán thành với Chính phủ nhưng cũng cho rằng cần nghiên cứu, tiếp thu thêm một số ý kiến của nhân dân và cụ thể hóa thành các quy định trong dự thảo luật về sách giáo khoa điện tử, vấn đề xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa để thuận lợi cho người học trong việc sử dụng sách giáo khoa, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, thường trực UB Văn hoá, Giáo dục đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến nhân dân về đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục.

Về chính sách học phí, cơ quan tổng hợp các ý kiến góp ý khái quát, có 3 nhóm ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến nhất trí với quy định tại Điều 97 của dự thảo luật. Theo đó, trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí. Trẻ em mầm non năm tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Chính  phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường tư thục, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Có một số ý kiến đề nghị Nhà nước chỉ hỗ trợ tiền đóng học phí đối với học sinh thuộc diện phổ cập tại trường dân lập, tư thục đối với các địa phương chưa bảo đảm đủ trường công lập cho trẻ em và học sinh thuộc diện phổ cập.

Cũng có một số ý kiến cho rằng nên miễn hoàn toàn học phí và các chi phí khác ngoài học phí cho các đối tượng học sinh thuộc diện phổ cập trong nhà trường thuộc các loại hình.

Chính phủ nhất trí với ý kiến của đa số những người góp ý, như nhóm ý kiến thứ nhất.

Về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, Bộ trưởng  GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, các ý kiến góp ý cho dự luật thể hiện 3 nhóm. Đa số ý kiến nhất trí  với quy định tại Điều 32 của dự thảo luật về thi THPT và bổ sung hình thức công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể điều kiện để được cấp và mục đích của giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật không nên quy định cụ thể việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà nên giao Bộ GD -ĐT quy định.

Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số của Nhân dân tại nhóm ý kiến thứ nhất.

P.Thảo