Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:
Khơi dậy khát vọng và sáng tạo, "cứ bắt chước bao giờ mới phát triển"!
(Dân trí) - Dự diễn đàn Mekong Startup, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng "cần khơi dậy khát vọng và có cách làm sáng tạo. Nếu cứ bắt chước giống thiên hạ bao giờ mới phát triển sâu được".
Trong 2 ngày (từ 19 đến 20/12), UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn Mekong Startup - Lần I năm 2022 với chủ đề "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự diễn đàn. Đại diện các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng. Từ quốc gia chủ yếu nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực mỗi năm, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản top đầu thế giới, các mặt hàng nông sản có mặt tại hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2022, xuất khẩu nông sản dự kiến chạm mốc 50 tỷ USD, cho thấy lúa gạo, thủy hải sản và trái cây là lợi thế quốc gia.
Khu vực ĐBSCL là một trong 7 vùng kinh tế của cả nước, có nhiều tiềm năng. Nơi đây đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu và gần 70% sản lượng trái cây của cả nước.
Tham dự diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, dù ngành nông nghiệp đạt nhiều thành tựu quan trọng, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, tính liên kết chưa cao, chưa chú trọng công nghệ lẫn đổi mới sáng tạo.
Theo Thứ trưởng Nam, ở Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về hệ thống lương thực, thực phẩm cùng năm, Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất, cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững. Do đó, yếu tố xanh hơn, phát thải thấp, giá trị cao, ứng dụng sinh thái tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn 2021-2030.
Thứ trưởng Nam kỳ vọng Mekong Startup góp phần thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và dẫn dắt, hợp lực lẫn nhau của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo ra diện mạo mới cho hệ thống chương trình, sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở ĐBSCL, theo hướng xanh hóa và bền vững.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, bạn quốc tế nói đúng, nông nghiệp chúng ta có giai đoạn sử dụng nhiều phân thuốc. Giờ đây, chúng ta phải thay đổi, giảm phân thuốc, hướng đến nền nông nghiệp xanh, hiện đại, tuần hoàn, giảm phát thải ra môi trường. Để làm được các mục tiêu đó, các bộ ngành phải có những kế hoạch, chương trình hành động rõ ràng, đồng bộ.
Ngành nông nghiệp luôn được coi trọng, nhất là đối với một đất nước có khoảng 100 triệu dân như Việt Nam. Vì thế, vấn đề an ninh lương thực vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của ngành nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, sự kiện Mekong Startup cần diễn ra nhiều hơn, để tạo động lực phát triển khu vực ĐBSCL "cần phải khơi dậy khát vọng trong cả đất nước. Điều này rất quan trọng. Khát vọng rồi phải có cách làm rất sáng tạo. Nếu cứ bắt chước giống thiên hạ bao giờ mới phát triển sâu được".
Đây là lần đầu tiên Bộ NN&PTNT và tỉnh Đồng Tháp tổ chức diễn đàn quy mô cấp vùng về khởi nghiệp hướng đến mục đích nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân tại khu vực ĐBSCL về biến đổi khí hậu, giảm phát thải, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp.
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực đầu tiên trong cả nước có các tỉnh đã ký cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng lộ trình hành động mạnh mẽ, quyết liệt để đồng hành cùng Chính phủ trong nỗ lực hiện thực hóa những cam kết giảm phát thải được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 26.
Riêng tỉnh Đồng Tháp ký cam kết với các Hiệp hội ngành hàng để phát triển thành "Trung tâm giải pháp giảm phát thải của khu vực" và hỗ trợ các thí điểm giảm phát thải.