Tổng Bí thư: Sự kiện Tập kết ra Bắc trở thành biểu tượng của lòng yêu nước
(Dân trí) - Sự kiện Tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, của tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta, ra đi vì nghĩa lớn.
Kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954 -2024), tối 16/11, Đài Truyền hình Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp thực hiện chương trình cầu truyền hình với chủ đề "Tình sâu nghĩa nặng" tại 3 điểm: Cà Mau, Hải Phòng và Thanh Hóa.
Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự chương trình tại điểm cầu Cà Mau.
Lễ kỷ niệm tái hiện lại dấu mốc một cuộc dịch chuyển lực lượng, giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam, góp phần vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của toàn dân tộc.
Quyết định đưa cán bộ, chiến sĩ và con em đồng bào miền Nam thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc tạo nền tảng cho việc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, củng cố lực lượng cho cuộc đấu tranh thống nhất.
Cuộc Tập kết ra Bắc đã thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí của mỗi người dân Việt Nam, họ sẵn sàng hy sinh bản thân, gia đình, cống hiến vì sự nghiệp chung của đất nước; thể hiện tình đoàn kết Nam - Bắc một nhà của dân tộc ta, đất nước ta.
Năm 1954, theo Hội nghị Geneve, nước ta lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Những con sóng theo khơi xa đã đưa những chuyến tàu tập kết ra Bắc, chở theo những khắc khoải nhớ nhung về quê nhà và niềm khát khao cháy bỏng về một ngày đoàn tụ, thống nhất của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam.
Từ lời hẹn 2 năm trở về, cuộc dịch chuyển lực lượng lớn nhất lịch sử đã kéo dài đến tận 21 năm đất nước mới hoàn toàn thống nhất. Những đứa trẻ ngày ấy tập kết ra Bắc, được đào tạo thành những "hạt giống đỏ" để tiếp tục công cuộc xây dựng đất nước phát triển, vươn xa.
Tại Cà Mau, điểm cầu chính nơi diễn ra cầu truyền hình là Tượng đài chuyến tàu Tập kết ra Bắc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Cách đây 70 năm, tại nơi đây đã diễn ra sự kiện 200 ngày tập kết để đưa cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam ra Bắc để sinh sống và học tập. Bến Sông Đốc giờ đây trở thành di tích lịch sử, ghi dấu một trang sử vàng trong quá trình xây dựng miền Bắc, đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hải Phòng tổ chức cầu truyền hình tại Quảng trường Nhà hát thành phố. Cuối năm 1954, Hệ thống trường học sinh miền Nam ra đời, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước. Tại Hải Phòng đón khoảng 15.000 con em miền Nam học tập trong tổng số khoảng 32.000 học sinh miền Nam tập kết ra đất Bắc. Sau quá trình học tập, từ bến tàu 0 số tại Hải Phòng, đã có những "hạt giống đỏ" được ươm trồng trên đất Bắc quay về giải phóng và xây dựng miền Nam.
Giờ đây, nhiều người trong số họ là các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sỹ, doanh nhân có uy tín, đóng góp nhiều cho xã hội. Điều đó đã khẳng định cuộc dịch chuyển học sinh quy mô lớn nhất lịch sử được đánh giá thành công trên cả ba phương diện gồm rèn luyện con người, mô hình giáo dục và chiến lược đào tạo lâu dài.
Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cũng là một điểm cầu của chương trình kỷ niệm.
Cách đây 70 năm, Thanh Hóa vinh dự được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tin tưởng lựa chọn là địa phương đầu tiên ở miền Bắc đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết. Địa điểm đón tiếp được đặt tại cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn). Đây là cuộc gặp gỡ có ý nghĩa chính trị lịch sử đặc biệt, thiêng liêng và vô cùng cảm động giữa người dân xứ Thanh và những người con miền Nam tập kết ra Bắc.
Ngày 25/9/1954 đã trở thành thời điểm lịch sử không thể nào quên, nhất là khi con tàu đầu tiên rẽ sóng tiến vào cửa biển Lạch Hới - Sầm Sơn giữa tiếng reo mừng của hàng ngàn người dân Thanh Hóa hân hoan chào đón những người con của miền Nam ruột thịt.
Thanh Hóa là địa phương đón số lượng đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam nhiều nhất cả nước. Dù còn vất vả, nghèo khó nhưng người dân Thanh Hóa lúc đó đã dành những gì tốt nhất của mình cho đồng bào miền Nam.
Trong 9 tháng (từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955), Thanh Hóa đã đón 45 chuyến tàu chở 47.346 cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ tập kết ra Bắc.
Tại lễ kỷ niệm có phóng sự tổng hợp "Đoàn kết - Sức mạnh xây dựng một Việt Nam vươn mình". Trong phóng sự, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết, ưu tiên hàng đầu là củng cố phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nên sức mạnh to lớn và là cội nguồn của mọi thành công của cách mạng Việt Nam. Chỉ có đại đoàn kết mới có thắng lợi.
Sự kiện Tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, của tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta, ra đi vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp cách mạng cao cả vẫn luôn sáng ngời. Những giá trị thiêng liêng của sự kiện vẫn còn hiện hữu trên con đường xây dựng sự nghiệp của dân tộc ta đến ngày hôm nay.
Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Tập kết ra Bắc - Tình sâu nghĩa nặng là hành trình nhìn lại dấu mốc lịch sử của dân tộc, ở đó có những cống hiến, những hy sinh tạo nên nền độc lập, hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc.
Tối 16/11, tỉnh Cà Mau đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đối với "Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954, đầu năm 1955 tại bờ Nam sông Đốc", thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Cụm công trình tượng đài được xây dựng đầu tháng 1 trên diện tích khoảng 10ha, với nhiều hạng mục như: Con tàu dài 22m, rộng 70m và chiều cao mũi tàu 7,2m; kết cấu thân tàu bằng bê tông cốt thép, sơn giả đá; sàn khu vực tổ chức sự kiện; cầu cạn vào khu tượng đài, đường giao thông; bãi xe;…
Trong đó nổi bật là tượng đài chính với biểu tượng chiếc tàu và các mảng phù điêu cách điệu chạm khắc hoa văn nhằm tái hiện, khắc ghi dấu ấn lịch sử về sự kiện tập kết năm 1954 và ghi nhớ, tri ân đối với công lao của các thế hệ đi trước.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Phạm Thành Ngại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, có thể nói sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 là một cuộc chuyển quân có ý nghĩa chiến lược nhằm đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra Bắc lao động, học tập để đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo ông Ngại, trước nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, tỉnh Cà Mau mong muốn xây dựng công trình lưu giữ những hình ảnh, hiện vật về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
"Cụm công trình tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc đã được xây dựng tại bờ Nam cửa biển Sông Đốc. Công trình có ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc, là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau; là nơi tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân tỉnh nhà và du khách", Chủ tịch Cà Mau nhấn mạnh.
Huỳnh Hải