Kết quả 15 năm hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc
(Dân trí) - Sau 15 năm kể từ ngày Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc có hiệu lực và đi vào cuộc sống đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trong Vịnh Bắc Bộ.
Sáng nay (31/3), tại Quảng Ninh đã diễn ra Hội thảo đánh giá 15 năm thực thi Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc.
Đại biểu 2 bên chụp ảnh kỷ niệm.
Báo cáo của Ủy ban Liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam cho biết: Sau 15 năm kể từ ngày Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc có hiệu lực và đi vào cuộc sống đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trong Vịnh Bắc Bộ.
Các bộ, ngành địa phương Việt Nam đã tổ chức thực hiện Hiệp định có hiệu quả; đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục, tuyên truyền tập huấn cho ngư dân, cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát; phối hợp trong việc xây dựng đề án, dự án triển khai thực hiện Hiệp định…
Về kết quả đạt được, trong vấn đề điều tra liên hợp nguồn lợi hải sản trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ: Hai bên đã thống nhất được phương pháp điều tra, tính toán trữ lượng nguồn lợi hải sản và thống nhất đề cương báo cáo chung của các giai đoạn của dự án trên cơ sở này đề xuất các biện pháp quản lý bảo tồn nguồn lợi trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ.
Trên cơ sở số liệu điều tra, hai bên đã thống nhất đánh giá tình hình nguồn lợi thuỷ sản trong Vùng đánh cá chung có chiều hướng suy giảm; nhiều loài bị khai thác quá mức cho phép, cần từng bước giảm áp lực khai thác…
Về vấn đề hoạt động của tàu cá hai nước: Tàu cá của ngư dân Việt Nam được cấp phép hoạt động trong các vùng nước Hiệp định chỉ chiếm khoảng 17% trên tổng số 26.022 tàu cá có công suất từ 20CV trở lên của ngư dân các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Định. Trong thời gian đầu, tàu cá của ngư dân Việt Nam chủ yếu tập trung khai thác ở vùng biển Việt Nam. Phương tiện đánh bắt của ngư dân tham gia hoạt động trong Vùng đánh cá chung chủ yếu vẫn là các tàu nhỏ, vỏ gỗ, trang thiết bị hạn chế.
Cũng trong giai đoạn đầu khi Hiệp định có hiệu lực, còn có nhiều tàu cá của ngư dân chưa chấp hành đúng quy định của Hiệp định như tàu không được cấp giấy phép; trang thiết bị lạc hậu; thiếu các giấy tờ, bằng cấp theo quy định; không ghi nhật ký đánh bắt…
Trong 5 năm (2004-2009), lực lượng kiểm tra, kiểm soát phía Trung Quốc đã tiến hành xử phạt tổng cộng 44 tàu cá Việt Nam với tổng tiền phạt gần 3 tỷ đồng. Từ năm 2009 đến nay, không có tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động trong Vùng đánh cá chung bị xử phạt.
Ở chiều ngược lại, tàu cá Trung Quốc với công suất lớn, trang thiết bị hiện đại chiếm ưu thế hơn tàu cá Việt Nam trong hoạt động đánh bắt ở các vùng nước của Hiệp định. Nhìn chung, các tàu cá cơ bản tuân thủ quy định của Hiệp định và sự kiểm soát của cơ quan chức năng Việt Nam.
Tuy nhiên, tàu cá Trung Quốc vẫn còn có các vi phạm. Trong thời gian đầu, tàu cá được cấp giấy phép đánh bắt trong Vùng dàn xếp quá độ nhưng lại sử dụng vào mục đích buôn lậu, vận chuyển dầu tạm nhập tái xuất từ cảng Vạn Gia (Quảng Ninh) đi Trung Quốc hoặc bán lẻ xăng dầu trên vùng biển Việt Nam tạo nên phức tạp về an ninh trật tự trên biển.
Bên cạnh đó, một bộ phận tàu cá Trung Quốc có công suất lớn, làm nghề lưới kéo đáy khai thác trong Vùng đánh cá chung lấn át ngư trường của ngư dân Việt Nam, nhiều lúc kéo lưới của ngư dân Việt Nam, gây bất bình dẫn đến tranh chấp, xung đột…
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong thực thi Hiệp định, ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho hay: Hạn chế thể hiện khá rõ là nguồn lợi thuỷ sản trong Vịnh Bắc Bộ đang có chiều hướng suy giảm và bị khai thác quá mức, đặc biệt là một số nghề khai thác xâm hại, khai thác sai vùng sai tuyến, ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản như nghề lưới kéo; tình trạng tàu cá vi phạm các quy định của Hiệp định vẫn còn xảy ra…
Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT).
“Kiến nghị mỗi bên sau khi kết thúc Hiệp định tự xây dựng kế hoạch để tiếp tục điều tra đánh giá nguồn lợi hải sản, thả giống tái tạo nguồn lợi, nghiên cứu tiếp tục giảm cường lực khai thác; tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên các vùng biển”, ông Hùng nói.
Về phía Trung Quốc, ông Vu Khang Chấn-Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trung Quốc đánh giá: Hiệp định là thành quả không hề dễ của xúc tiến hợp tác giữa Việt Nam-Trung Quốc. Phía Trung Quốc đánh giá tích cực của Hiệp định trong xử lý vấn đề đánh cá chung giữa hai nước. Hiệp định đạt được thành tựu nổi bật, từ khi có hiệu lực, tình hình thực hiện Hiệp định cơ bản tốt. Đôi bên đã cùng nhau giữ gìn trật tự mới trong nghề cá Vịnh Bắc Bộ, đôn đốc ngư dân hai bên chấp hành Hiệp định, kiểm soát tàu cá trên vùng đánh cá chung.
Ông Vu Khang Chấn-Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trung Quốc.
“15 năm trở lại đây dù việc triển khai Hiệp định đạt hiệu quả phong phú nhưng đã xảy ra một số mâu thuẫn và vấn đề nhỏ. Va chạm là khó tránh khỏi nhưng cũng là cơ hội để hai bên phát triển tốt hơn. Hai bên đều có thể kiên trì thông qua đàm phán hữu nghị hoà bình để giải quyết tốt bất đồng”, ông Chấn nói.
Cũng theo ông Chấn: “Sau 15 năm thực hiện Hiệp định, phía Trung Quốc nhận thấy ở lĩnh vực nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc hợp tác sẽ tốt hơn không hợp tác, có cơ chế tốt hơn là không có cơ chế và tiếp tục phát triển thì tốt hơn là làm lại từ đầu. Hy vọng, tương lai của hợp tác nghề cá sẽ thành công, tốt đẹp hơn”.
Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc có hiệu lực từ năm 2004, thời hạn hiệu lực trong vòng 12 năm và 3 năm mặc nhiên gia hạn và giá trị ở cấp Chính phủ phê duyệt.
Theo Hiệp định, 2 bên thiết lập một vùng đánh cá chung rộng 33.500km2, có phạm vi từ vĩ tuyến 20 trở xuống đến đường đóng cửa Vịnh, cách đường phân định 30,5 hải lý về mỗi phía. Thời hạn của vùng đánh cá chung là 15 năm, gồm 12 năm chính thức và 3 năm gia hạn...
Nguyễn Dương