Hướng dẫn lồng ghép biến đổi khí hậu trong xây dựng chiến lược, quy hoạch

Trường Thịnh

(Dân trí) - Lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của Việt Nam là một trong những giải pháp hiệu quả nhất nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lồng ghép các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (CQK) là vấn đề còn mới đối với Việt Nam, đặc biệt là các địa phương. Việc lồng ghép các nội dung ứng phó với BĐKH vào CQK vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đây là cách tiếp cận nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng các giải pháp ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả.

Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) xây dựng một bộ công cụ tổng quát hỗ trợ lồng ghép ứng phó với BĐKH vào CQK với các bước cần thực hiện cũng như cách thức áp dụng, đặc biệt dành cho cấp địa phương.

Bộ công cụ này là sản phẩm của dự án hỗ trợ kỹ thuật "Nâng cao khả năng chống chịu, phát triển khu định cư con người và sinh thái gắn kết, bền vững thông qua các can thiệp hạ tầng quy mô nhỏ ở các vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long", được tiến hành thí điểm xây dựng cho hai tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu. Bên cạnh việc hỗ trợ thực hiện lồng ghép các nội dung ứng phó với BĐKH vào quá trình xây dựng quy hoạch theo nhu cầu thực tế của mỗi địa phương, nhiều hội thảo tập huấn và đối thoại xây dựng chính sách đã được tổ chức nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ xây dựng quy hoạch, kế hoạch các cấp, từ trung ương đến địa phương.

Hướng dẫn lồng ghép biến đổi khí hậu trong xây dựng chiến lược, quy hoạch - 1

Hội thảo tập huấn nhằm thúc đẩy xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động tỉnh Bạc Liêu.

Đây là một sản phẩm nghiên cứu hết sức có ý nghĩa nhằm cung cấp hướng dẫn khung về lồng ghép vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch ở các cấp địa phương, dành cho các cán bộ hoạch định chính sách và lập kế hoạch. Tài liệu này cũng có thể xem như là cơ sở để xây dựng các tài liệu hướng dẫn cụ thể cho hoạt động thích ứng với BĐKH, cũng có thể được dùng làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu, học tập về BĐKH, tài nguyên và môi trường trong các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khác.

Bộ tài liệu này đã đề xuất quy trình lồng ghép các nội dung ứng phó với BĐKH vào việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch của từng cấp tỉnh, huyện và xã. Đặc biệt, tài liệu hướng dẫn này đã hướng dẫn chi tiết áp dụng phương pháp phân tích chi phí - lợi ích để tính toán và xây dựng các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ với tác động BĐKH. Đây là công cụ căn bản, quen thuộc, thường được sử dụng để đánh giá hiệu quả về kinh tế của các hoạt động can thiệp hoặc đầu tư. Phương pháp này cung cấp các thông tin về chi phí và lợi ích của các giải pháp được đề xuất làm cơ sở cho việc so sánh các giải pháp này với nhau, từ đó xác định được các giải pháp tốt nhất. Các chi phí và lợi ích này đôi khi không tính được bằng tiền và sẽ được "lượng giá" thông qua ý kiến đánh giá của các bên tham gia.

Dự án "Nâng cao khả năng chống chịu, phát triển khu định cư con người và sinh thái gắn kết, bền vững thông qua các can thiệp hạ tầng quy mô nhỏ ở các vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long" được thực hiện từ năm 2021 - 2024 tại tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu với 4 hợp phần, kỳ vọng sẽ hỗ trợ được cho 92,396 người dân tại hai tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu.