Học đức tính bình dị của Bác

Trần Minh Khoa

(Dân trí) - Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là người thầy vĩ đại, vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, mà còn là chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Ở Người, đức tính giản dị, đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư được thể hiện vô cùng sâu sắc. Qua câu chuyện kể về Bác, người nghe đều cảm nhận Bác rất gần gũi, thân thương và càng cảm thấy kính trọng, quý mến “vị Cha già của dân tộc” hơn. Có lẽ nhận định sau đây nói lên tất cả “Sự bình dị làm nên điều vĩ đại Hồ Chí Minh”.

Khi thực hiện chủ trương của Đảng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, một bộ phận cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân luôn có tâm lý e dè nhất định. Họ cho rằng tầm vóc của Bác cao quá, những người cán bộ, đảng viên, quần chúng lao động bình dân làm sao có thể học theo được ở một người có nhiều ưu điểm kiệt xuất của thời đại. Tuy nhiên, càng nghiên cứu, học tập, chúng ta càng thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại không chỉ bởi những điều lớn lao, hay những thành quả cách mạng Người làm được cho dân tộc Việt Nam ta mà tấm gương đạo đức của Người còn cao đẹp ở những điều giản dị, rất đỗi đời thường mà bất kỳ ai cũng có thể học tập và noi theo để hoàn thiện mình.

Các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước cũng đã nhiều lần khẳng định tại các Hội thảo trong nước và quốc tế rằng: Sự bình dị làm nên điều vĩ đại Hồ Chí Minh.

Học đức tính bình dị của Bác - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu”

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu.”

Từ năm 2006 thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ X, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 06 - CT/TW ngày 07/11/2006 về Tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hình thành phong trào tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thật sự sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, thanh niên, học sinh... góp phần đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội.

Năm 2019, các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự nhìn lại mình, nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện theo di chúc thiêng liêng của Người và thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác nói thì dễ nhưng học và thực hành ra sao là điều không dễ. Bác Hồ là một tấm gương cho lối sống giản dị, gần gũi, trọng dân, vì dân, chan hòa với quần chúng nhân dân. Tôi rất thích chủ đề này vì mỗi khi nghe những câu chuyện mà GS. Hoàng Chí Bảo - một nhà Hồ Chí Minh học - kể về Bác thì trong tôi lại trào dâng một nỗi niềm xúc động và phải thốt lên rằng: “Bác ơi, sao mà bình dị và gần gũi thế!”

Vậy tại sao chúng ta cần sống bình dị?

Câu trả lời tôi nghĩ cũng thật đơn giản. Đó là lối sống tự bao đời của người dân Việt Nam trên mọi miền đất nước. Lối sống ấy định hình từ nền văn hóa truyền thống làng xã, ruộng vườn của dân tộc ta. Cán bộ, đảng viên sinh ra, lớn lên dù ở thành thị hay nông thôn cũng đều mang trong mình truyền thống gia đình, bị ảnh hưởng của cốt cách đó. Môi trường nào thì con người đó. Xã hội của chúng ta vẫn còn nhiều người cơ cực, đồng bào ở nông thôn, miền núi, biên giới hải đảo vẫn còn cuộc sống rất khó khăn, lẽ nào chúng ta lại có lối sống xa hoa, phung phí.

Học đức tính bình dị của Bác - 2

Một tiết mục trong Hội thi Văn hóa Vietcombank dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

Từ xưa đến nay, không chỉ có Việt Nam mà ở các dân tộc trên thế giới, một nguyên tắc đã định hình: sống càng bình dị, càng gần gũi thì càng được dân tin, dân yêu. Và chỉ khi được dân tin, dân yêu thì lời nói, việc làm của người cán bộ, đảng viên mới thực sự có hiệu quả, mới phát huy được vai trò lãnh đạo, dẫn đắt quần chúng nhân dân đi theo lý tưởng của Đảng. Cũng chỉ có thể sống bình dị, sống hoà mình vào quần chúng, người cán bộ, đảng viên mới có thể hiểu được đời sống thực tiễn, mới nắm được tâm tư, nguyện vọng, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con.

Học lối sống bình dị của Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sống trọn một đời thanh bạch từ ăn, ở đến phương tiện sử dụng phục vụ công việc hàng ngày. Để tiết kiệm thời gian, Bác dạy: “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân... làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm... Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.

Bác Hồ vẫn thường nói rằng: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn khó khăn, một người nào đó muốn sống hưởng ăn ngon, mặc đẹp thì không có đạo đức”.

Bác đến với các chiến sĩ trên mặt trận, cùng chiến sĩ hành quân; thăm chỗ ở, nhà bếp, nhà vệ sinh của các gia đình, tập thể; trực tiếp xuống ruộng làm việc, hướng dẫn bà con về sâu bệnh, về thủy lợi; đến thăm các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học; viết thư thăm hỏi người già, trẻ em...

Bác luôn chủ động tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đi vào lòng dân bằng trái tim nhân hậu. Giản dị, thanh bạch là đức tính tự nhiên của Bác. Điều đó đã được thể hiện sinh động qua từng cử chỉ, lời nói và việc làm cụ thể của Người. Vì vậy, nó có sức thuyết phục lớn lao mà thể hiện một cách thất tự nhiên, không gượng ép. Vậy nên chúng ta hãy học và làm theo Bác những điều bình dị nhất. Không học được tất cả, chúng ta hãy học từng ít một. Không học được ngay một lúc, hãy cứ học từ từ.

Bình dị trong cốt cách và sự rèn luyện bình dị

Gốc rễ của đạo đức, phong cách bình dị, liêm chính là tấm lòng vì nước vì dân, vì lợi ích quốc gia, tập thể của Bác. Trong đời sống, chỉ những ai có được đức tính đó, không mưu cầu, vụ lợi cá nhân mới có thể làm được, mới hành động một cách “tự nhiên hương” chứ không phải là sự khiên cưỡng, giả tạo. Bất cứ ai để chủ nghĩa cá nhân chi phối, để chủ nghĩa thực dụng lên ngôi, thì chắc chắn không thể làm được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong Đảng vẫn còn một số cán bộ, đảng viên đạo đức, phẩm chất thấp kém. Những người này “mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Chủ nghĩa cá nhân thực sự là kẻ địch nguy hiểm của đạo đức cách mạng, đồng thời cũng là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu không thể bình dị theo đúng cốt cách, bản chất thì người cán bộ, đảng viên phải biết tu dưỡng, luyện rèn đức tính, lối sống bình dị. Đây chính là ý thức, là sự học hỏi, noi theo để hoàn thiện mình hơn, khắc phục các yếu điểm.

Ngày nay, không ít cán bộ chưa làm to đã lộ tính hách dịch, xa dân, sống trong dinh thự xa hoa. Ngay cả con cán bộ cũng tự lúc nào sinh cái bệnh tinh tướng, muốn thể hiện mình “con nhà quan”, lối sống xa hoa, hưởng thụ sa đọa. Đọc lại những mẩu chuyện về phong cách, đạo đức, lối sống của Bác để ngẫm và hành động, thực thiết thân vô cùng.

Nêu gương lối sống bình dị

Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, tại điểm 7, điều 2 nêu: “Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện: Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành”.

Trong đời sống xã hội ngày nay, nhiều cán bộ, đảng viên nêu gương liêm khiết, sống mực thước, gần gũi, chan hoà với nhân dân. Bởi vậy, ngay cả khi họ đã nghỉ hưu, người dân vẫn mãi nhớ đến.

Trái lại, cũng tồn tại một số người có cá tính quan cách, bề trên, đi đứng ngông nghênh, ăn nói hống hách. Những người như thế, dù có xuống dân thì cũng chỉ là những vở diễn rất gượng gạo, rất thô kệch, chẳng những không được dân tin mà ngược lại.

Như phân tích trên, việc học Bác trước hết cần học lối sống bình dị, gần gũi với nhân dân, chan hòa, mật thiết với dân. Có rất nhiều câu chuyện về Bác mà bất cứ ai cũng có thể học tập, làm theo. Khi về tiếp quản Thủ đô, Bác dặn: “Bây giờ chuẩn bị vào thành phố, có chú sẽ nghĩ: Lâu nay mình sống gian khổ đã nhiều, bây giờ là lúc được hưởng lạc đây! Trong lòng chú luôn nghĩ đến những thứ của ngon, vật lạ, dần dần quên mất tác phong gian khổ, giản dị. Như vậy rất dễ dẫn đến tham ô, hủ hoá”.

Thực tế cho thấy, nếu không rèn luyện, tu dưỡng thì lòng tham, vụ lợi của cán bộ, đảng viên sẽ trỗi dậy bất kỳ lúc nào, bất kỳ hoàn cảnh nào, sẽ là hiểm hoạ cho nhân dân nếu tiếp tục để nó sinh sôi, nảy nở. Ngày nay, trong điều kiện kinh tế phát triển, mở cửa, hội nhập, bài học về tu dưỡng đạo đức, lối sống càng trở nên cấp thiết. Bác đã căn dặn cán bộ phải đề phòng “đạn bọc đường”.

Bởi vậy, việc học, làm theo Bác, học lối sống bình dị, trọng dân, vì dân của Bác là hết sức cấp thiết, không thể ngụy biện, né tránh trong việc này.

Chính vì vậy, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”.

Nếu mỗi người đều chờ ai đó học, ai đó làm chứ không phải mình, chỉ lên mạng chê bai thì không thể nói hiệu quả. Thế nên, để tránh bệnh ỷ lại, hình thức, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị xác định rõ cách làm: Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện theo phương châm trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể. Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp...

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị, nhằm góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta là người Việt Nam vĩ đại nhất, với tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực tuyệt vời nhất. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là tinh hoa văn hóa của nhân loại, là tài sản vô giá của Đảng và dân tộc ta, là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo.