1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Huế:

Hoang tàn ngôi nhà từng là trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ

(Dân trí) - Giữa những ngôi nhà đẹp và sang trọng ở phường Phú Hòa (TP Huế) có một căn nhà đang xuống cấp nghiêm trọng, từng là trụ sở của tờ báo Tiếng Dân.

Căn nhà nằm ở số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Phú Hòa, TP Huế), vốn được cụ Huỳnh Thúc Kháng (quê ở Quảng Nam) chọn làm tòa soạn của tờ báo Tiếng Dân, do cụ làm chủ bút. Tờ báo Tiếng Dân là tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ, hoạt động từ năm 1927 - 1943. 

Đây cũng từng là trụ sở Hội đồng châu Quảng Nam, được cụ Kháng làm ký túc xá cho những sinh viên Quảng Nam ra Huế học. Sau khi giải phóng, sinh viên chuyển về ký túc xá được xây ở các trường, căn nhà được Nhà nước thu hồi, chuyển thành nơi ở cho một số cán bộ trường Đại học Y Dược Huế.

Hiện tại, căn nhà đã xuống cấp khá trầm trọng, bên trong hoang sơ đến tu điều. Ngôi nhà có hai tầng, ngoài những căn phòng tồi tàn và cũ kĩ được các hộ dân sửa lại làm nơi sinh sống tạm bợ; những bức tường hoen ố, những căn phòng còn lại đóng cửa, xen lẫn bụi bặm, rác thải và cả nhiều đất đá... hoang tàn.

Bà Mai Thị Hanh Liên, ngoài 70 tuổi - một trong những người dân sống lâu nhất ở đây - cho biết: Trước kia bà lấy mặt tiền của căn nhà 193 Huỳnh Thúc Kháng cho người ta thuê để buôn bán, bây giờ là nơi con gái bà bán nước mía”.

Hoang tàn ngôi nhà từng là trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ

Mặt phía trước của căn nhà từng là trụ sở báo Tiếng Dân nhìn cũ kỹ, rêu bám và cả cây cỏ mọc lên

Mặt sau căn nhà là số 228 đường Phan Đăng Lưu, chỉ là một cái cổng nhỏ để ra vào trông rất hoang tàn và cũ kĩ. Ở giữa ngôi nhà có một lối thông hình mái vòm đầy bụi bặm, rác thải...

“Lúc tôi về có 6 hộ dân ở, nhưng bây giờ chỉ còn 2 vì những hộ còn lại đã chuyển đi nơi khác sinh sống chứ ở đây quá nguy hiểm, vì nhà đã quá xuống cấp. Giờ sống tạm bợ được ngày nào hay ngày đó- bà Liên nói thêm.

Hoang tàn ngôi nhà từng là trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ

Đi vào phía trong lối thông đầy bụi bặm, rác thải ….

Được biết, vào cuối năm 2012, tỉnh Quảng Nam có chỉ đạo Sở VH-TT&DL của tỉnh này làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế để bàn về việc lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia cho căn nhà này. Nhưng đến nay đã gần 3 năm vẫn chưa được triển khai; trong khi căn nhà lại ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Các hộ dân cũng cho biết thêm, mỗi khi đươc phường gọi đi họp thì họ đi; nhưng vấn đề căn nhà không biết đến khi nào mới được giải quyết.

Theo nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô ở bài viết “Cụ Huỳnh và Báo Tiếng Dân qua báo cáo mật thám Pháp” thì Báo Tiếng Dân được phép xuất bản theo nghị định ký ngày 12/2/1927 của Toàn quyền Đông Dương Pasquiet. Tờ báo có khổ 58 x 42cm, phát hành mỗi tuần 2 kỳ. Trong thời kỳ vận động dân chủ 1936 - 1939, báo ra 3 kỳ một tuần. Mặc dù chỉ có 4 trang nhưng do khổ báo lớn nên dung lượng bài vở khá phong phú. Đây là tờ báo đầu tiên ở miền Trung và là tờ nhật báo duy nhất xuất hiện trước năm 1930.

Tuy ra đời có trễ hơn nếu so với báo chí ở hai miền Nam, Bắc nhưng báo Tiếng Dân đã đóng một vai trò chính trị quan trọng trong đời sống của nhân dân Trung kỳ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã giải thích từ “Tiếng Dân” trên tờ La Tribune Indochinoise số ra ngày 24/12/1926 như sau: “Đó là sự vui mừng, sự buồn tủi và sự chờ đợi ấp ủ trong lòng hàng triệu đồng bào. Dân là đầu mối của nước. Tiếng Dân đi sát với những vấn đề trong nước. Nếu chánh phủ biết rõ những nguyện vọng sâu xa của dân thì cần gì đối xử bất công với Tiếng Dân như đã từng đối xử với vài tờ báo đã ra mắt gần đây và đã bị đóng cửa. Tờ báo này thật xứng đáng để mang tên là Tiếng Dân,  vì trong thực tế, phải nhờ đến báo chí thì tiếng dân mới bộc lộ ra được”.

Quan điểm chính yếu của cụ Huỳnh khi làm báo là: “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai. Vì đất nước Việt Nam có biên cương và lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới. Cho nên, tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ. Do đó, tôi thách đố mọi trừng phạt và hiểm nguy đến với cá nhân tôi”.

- Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) là nhà chí sĩ, học giả yêu nước. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1904, lúc 28 tuổi, nhưng không ra làm quan nhà Nguyễn, mà tham gia hoạt động, lo tìm cách chống Pháp cứu nước. Ông là một trong những nhân vật lãnh đạo phong trào Duy tân, bị giặc Pháp bắt 1908, đày ra Côn Đảo suốt 13 năm, đến 1921 mới được trả tự do. Năm 1926, ông được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Trong 3 năm làm Viện trưởng, ông thường chỉ trích gay gắt chính sách của chính phủ Pháp thi hành tại Trung Kỳ. Nhân việc va chạm với viên Khâm sứ Jabouille, ông từ chức Viện trưởng.

Năm 1927, ông đứng ra sáng lập và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Tiếng Dân, chủ nhà in Tiếng Dân tại Huế (đường Hàng Bè xưa, từ năm 1995 được Huế đặt tên là đường Huỳnh Thúc Kháng để tưởng nhớ đến cụ Huỳnh). Đến năm 1943 báo Tiếng Dân bị thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam dân chủ cộng hòa. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Pháp đàm phán, ông được trao quyền Quyền Chủ tịch Chính phủ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông được Chính phủ đặc phái vào Liên khu 5. Ngày 21/04/1947, trên đường công tác, ông lâm bệnh nặng rồi mất, hưởng thọ 71 tuổi – Theo Cổng thông tin UBND TP Huế.






















Một số hình ảnh của căn nhà từng là trụ sở báo Tiếng Dân:

Hoang tàn ngôi nhà từng là trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ

Bậc cấp đi lên tầng hai

Hoang tàn ngôi nhà từng là trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ

Lối thông hình mái vòm để qua nhà phía đường bên kia.
Hoang tàn ngôi nhà từng là trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ

Từ bậc cấp đi lên, căn phòng được xem là nơi phát hành của tờ báo Tiếng Dân
Hoang tàn ngôi nhà từng là trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ


Hoang tàn ngôi nhà từng là trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ

Hình ảnh xập xệ của mặt phía sau căn nhà
Hoang tàn ngôi nhà từng là trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ

Căn nhà từng là trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên Trung Kỳ nhìn biệt lập”, hoang tàn so với nhưng ngôi nhà còn lại
Trụ sở báo Tiếng Dân lúc xưa

Trụ sở báo Tiếng Dân lúc xưa (ảnh: internet)
Cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân (ảnh: internet)
Cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân (ảnh: internet)

Văn Dinh- Đại Dương