Hoàn thành việc sắp xếp lại 95 cơ sở đào tạo luật trong cả nước
(Dân trí) - Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đặt ra thời hạn cụ thể để hoàn thành việc sắp xếp cơ bản 95 cơ sở đào tạo luật trong cả nước, quy định rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn về đào tạo, chuẩn đầu vào...
Ngày 29/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tổ chức Phiên họp thứ 12 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đánh giá việc thực hiện Đề án "Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TPHCM thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật" và Đề án "Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp" đã được Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chỉ đạo tổng kết nghiêm túc, toàn diện.
Sau hơn 7 năm thực hiện đề án, hai trường Đại học này đã có sự chuyển biến tích cực về mọi mặt, từng bước mở rộng quy mô đào tạo, chú trọng hoàn thiện giáo trình, đổi mới phương pháp đào tạo. Hoạt động nghiên cứu khoa học có chuyển biến tích cực; đội ngũ giảng viên ngày càng được tăng cường, chất lượng được nâng lên.
Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô đào tạo chưa đạt mục tiêu đã được xác định trong đề án; chất lượng đào tạo của hai trường chưa có chuyển biến mang tính đột phá so với yêu cầu. Hoạt động nghiên cứu khoa học chưa có tính ứng dụng cao, tiềm năng nghiên cứu khoa chưa được khai thác tốt…
Để tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TPHCM thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật cần đánh giá kỹ hơn, thẳng thắn hơn về những tồn tại, hạn chế, bất cập về tổ chức, hoạt động của hai trường. Trong đó cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác đào tạo luật, nhất là trong bối cảnh cho các trường tự chủ đào tạo, tạo môi trường thuận lợi cho hai trường phát triển xứng đáng là trường trọng điểm đào tạo nhân lực về pháp luật.
Việc thực hiện "Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp", thời gian đầu quy mô đào tạo, bồi dưỡng được mở rộng, trong đó có đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và lớp đào tạo nghề luật sư chất lượng cao; đã phát triển được đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và giảng viên cơ hữu; hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng mới toàn bộ, chuyển đổi từ học niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
Tuy nhiên so với mục tiêu ban đầu chưa đạt được, nhất là sau khi Học viện Tòa án và Đại học Kiểm sát được thành lập đã và đang được thực hiện đào tạo bậc đại học chuyên ngành và đào tạo nghiệp vụ để bổ nhiệm các chức danh tư pháp thẩm phán, kiểm sát viên.
Về kiến nghị tiếp tục thực hiện đề án đến năm 2030, Ban Chỉ đạo cho rằng, để có cơ sở đề xuất cho tiếp tục thực hiện đề nghị cần làm rõ hơn lý do của việc đề xuất, trong đó xác định cụ thể phạm vi đào tạo, đối tượng đào tạo phù hợp với bối cảnh hiện nay. Xác định những nhiệm vụ trọng tâm, nhất là các nhiệm vụ đào tạo 3 chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư nhằm trang bị mặt bằng kiến thức chung cho các chức danh tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán từ các chức danh tư pháp khác.
Đối với Đề án "Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật", Ban Chỉ đạo đánh giá cao sự cố gắng của Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng đề án, tán thành với sự cần thiết phải xây dựng đề án, nhất là trong bối cảnh cho các trường tự chủ, việc đào tạo cử nhân luật theo nhu cầu thị trường, có sự cạnh tranh rất lớn giữa các cơ sở đào tạo luật hiện nay (cả nước hiện có đến 95 cơ sở đào tạo luật).
Dù vậy, qua nội dung của đề án cho thấy số liệu đánh giá chưa phản ánh rõ thực trạng kiểm soát chất lượng đào tạo luật của Việt Nam như kiểm soát việc cấp mã ngành đào tạo, kiểm soát chất lượng đầu vào, chất lượng đầu ra, quá trình đào tạo, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho từng cơ sở, đội ngũ giảng viên của từng cơ sở...
Để có cơ sở đề xuất các giải pháp tăng cường chất lượng đào tạo cử nhân luật, đề án cần đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn thực trạng công tác đào tạo cử nhân luật, nhất là những hạn chế, khó khăn, vướng mắc về: Thể chế; số lượng, chất lượng giảng viên; chất lượng tuyển sinh đầu vào, giáo trình, tài liệu, cơ sở vật chất của từng cơ sở đào tạo cử nhân luật...
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc triển khai các đề án đã có nhiều kết quả tích cực, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng, khát vọng vươn lên của các cơ sở đào tạo.
Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và đề xuất các mục tiêu cụ thể đối với từng đề án sao cho phù hợp với thực tiễn, bối cảnh mới.
Đối với Đề án "Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật", Chủ tịch nước yêu cầu xây dựng theo định hướng của các thành viên Ban Chỉ đạo. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đặt ra thời hạn cụ thể để hoàn thành việc sắp xếp cơ bản 95 cơ sở đào tạo luật trong cả nước; quy định rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn về đào tạo; ban hành các chuẩn đầu vào, chuẩn chương trình, giáo viên, giáo án, giáo trình; từ đó đối chiếu, rà soát, đánh giá. Những cơ sở không đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra thì phải dừng đào tạo lĩnh vực này.
Chủ tịch nước cũng lưu ý cần quan tâm đến việc đào tạo phẩm chất chính trị, bản lĩnh nghiệp vụ trong quá trình giảng dạy và học tập tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật TPHCM và Học viện Tư pháp sao cho đảm bảo hình thành nguồn nhân lực phát triển ngành tư pháp trong sạch, lành mạnh, chất lượng cao.