Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Thanh Hóa:
Hi hữu Giám đốc Sở TN&MT bị yêu cầu kiểm điểm vì trả lời chất vấn... "lạc đề"
(Dân trí) - Phiên chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII đã phải dừng lại vì Giám đốc Sở TN&MT trả lời “lạc đề”.
“Ra đề một đường, làm một nẻo”
Sáng ngày 10/7, Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII tiếp tục với phiên chất vấn, trong đó có chất vấn Giám đốc Sở TN&MT về tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư, các bãi chôn lấp rác thải chậm được xử lý, hoặc xử lý không dứt điểm, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Khi ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở TN&MT vừa đăng đàn đọc báo cáo, ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa - ngắt lời, cho rằng “người ta” hỏi một đằng, ông Đào Trọng Quy trả lời một nẻo, cóp cả kế hoạch của UBND tỉnh vào. Giám đốc Sở TN&MT đã không nghiên cứu kỹ câu hỏi, làm mất nhiều thời gian.
“Trong trường hợp này là phải làm rõ coi kế hoạch của UBND tỉnh là gồm những mục nào, từng mục đó là yêu cầu ra sao. Cái nào được rồi, cái nào chậm để báo cáo hội đồng. Đằng này đưa toàn bộ kế hoạch của UBND tỉnh nên mới lên tới 16 trang”, ông Chiến nhắc nhở.
Khi chủ tọa kỳ họp đang phân tích vấn đề, ông Quy nói: “Anh em soạn thảo, tôi rút kinh nghiệm kỳ sau hội đồng chất vấn tiếp thì tôi sẽ làm ngắn gọn nữa”.
Chủ tịch HĐND tỉnh ví von: “Ra đề một đường, làm một nẻo, sai câu hỏi trả lời chất vấn. Nếu đi thi như thế này là lạc đề”.
Sau khi bị phê bình, ông Quy xin phép được trình bày vào phần đánh giá.
Chủ tọa liền yêu cầu: “Anh nói cụ thể cái gì chậm, cái gì chưa đạt. Anh về chỉ đạo lại quân cán tham mưu cho anh, ông nào phó giám đốc phụ trách cái này tham mưu như thế nào? Có báo cáo các đồng chí UBND tỉnh trước khi ra cái này không?”.
Theo ông Quy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường ở cấp cơ sở chưa được thường xuyên, liên tục, còn mang tính thời điểm, chỉ tập trung vào các ngày lễ, ngày môi trường; nhận thức trách nhiệm của một số cơ sở, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường chưa cao, coi trọng lợi ích trước mắt về kinh tế, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp về quản lý nhà nước giữa các cấp quản lý trong triển khai, thực hiện các mục tiêu, kế hoạch hành động còn hạn chế, lỏng lẻo; công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại còn hạn chế.
Biện pháp xử lý hiện nay là chôn lấp, không đảm bảo vệ sinh diễn ra ở hầu hết các huyện, thị, thành phố. Quá trình thực hiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ chất thải rắn sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn.
Việc xây dựng các công trình xử lý chất thải như cam kết trong các hồ sơ về môi trường đã được phê duyệt và xác nhận còn thấp, chưa đầu tư xây dựng đồng bộ, hoặc có xây dựng nhưng không đúng tiêu chuẩn, không vận hành thường xuyên, chất thải chưa được thu gom và xử lý triệt để, hoặc thải trực tiếp ra môi trường...
Dừng chất vấn, yêu cầu kiểm điểm
Sau khi ông Quy đọc xong báo cáo về những tồn tại, hạn chế và bất cập trong vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh, chủ tọa kỳ họp xin ý kiến hội đồng về việc nên tiếp tục hay dừng lại việc chất vấn, trả lời chất vấn.
“Hội đồng không hỏi như thế, các đồng chí không nghiên cứu gì cả, làm lạc đề. Cái này (báo cáo của Sở TN&MT-PV) có khác gì kế hoạch 135 của UBND tỉnh đâu. Lên chương trình chất vấn, truyền hình báo chí đưa tin sẽ chất vấn Giám đốc Sở TN&MT về việc này rồi. Còn anh Quy phát huy được "truyền thống" từ hôm qua đến bây giờ, lần nào lên tài liệu cũng rất nhiều. Mặt bằng thì thuộc, thế mà môi trường sao lại...? Làm thế này thì chết!”, ông Chiến nói.
Chủ tọa kỳ họp yêu cầu Giám đốc Sở TN&MT kiểm điểm sâu sắc và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Giám đốc Sở TN&MT kiểm điểm, làm lại để chất vấn vào kỳ họp tới; đồng thời ra kết luận yêu cầu kiểm điểm.
“Hỏi như thế, anh phải "làm bài" vào việc đó thì tôi mới chất vấn xoay quanh việc đó được. Bây giờ hỏi câu A thì nói câu B, mình đi chất vấn câu B à? Hay là cứ chất vấn, nó vào đâu thì nó vào? Nếu chất vấn thì vô hình dung là chúng ta lại đi theo vấn đề của Sở TN&MT chứ không phải là vấn đề chất vấn của HĐND”, ông Chiến đặt câu hỏi.
Theo ông Chiến, lĩnh vực môi trường hết sức phức tạp, nhạy cảm và nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri. Tuy nhiên, việc chuẩn bị của Sở TN&MT thiếu nghiêm túc, không đạt yêu cầu.
“Không biết việc này các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh có chỉ đạo không hay là chất vấn Giám đốc Sở là việc của Giám đốc Sở? Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho ý kiến”, ông Chiến đề nghị.
Trước đề nghị của chủ tọa kỳ họp, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Sau khi họp Thường trực HĐND, Chủ tịch tỉnh tiếp thu về có giao trực tiếp. Tôi cũng chỉ được trao đổi nội dung có liên quan thay mặt Chủ tịch tỉnh lên báo cáo trả lời chất vấn. Thường trực HĐND chuyển thẳng cho Giám đốc Sở TN&MT chuẩn bị nội dung”.
Cũng theo ông Quyền, môi trường là vấn đề rất bức xúc và có nhiều ý kiến của cử tri. Nếu hội đồng thấy việc chuẩn bị trả lời chất vấn chưa đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực HĐND thì dừng lại. UBND sẽ có trách nhiệm kiểm điểm vấn đề này.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định: “Đây là vấn đề mà cử tri bức xúc nên cần chất vấn. Báo cáo chưa đạt vấn đề nào thì Thường trực HĐND có kết luận, UBND sẽ có trách nhiệm hoàn chỉnh lại theo tinh thần, ý kiến của Thường trực hội đồng”.
Sau ý kiến của Chủ tịch tỉnh, ông Chiến băn khoăn: “Cử tri nhân dân các dân tộc trong tỉnh cũng theo dõi chuyện này, tiếp tục có ý kiến phản ánh lại. Cả việc lớn, hệ trọng như thế, Thường trực HĐND họp, thống nhất rồi, cân lên nhắc xuống, chất vấn sở nào, chất vấn vấn đề gì, rất kỹ càng. Các đồng chí về không xem kỹ nội dung này”.
Cuối cùng, chủ tọa kỳ họp đưa ra 2 phương án: Phương án 1, cho dừng chất vấn, yêu cầu kiểm điểm Giám đốc Sở TN&MT và Chủ tịch UBND tỉnh; Phương án 2 là tiếp tục chất vấn.
Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII đã giơ tay biểu quyết dừng buổi chất vấn lại.
Duy Tuyên