Hành trình mang rừng đến gần với "trái tim"

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Tại Vườn Quốc gia Cúc Phương - "thủ đô bảo tồn" của đất nước - hoạt động cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã không chỉ là trách nhiệm của đội ngũ nhân viên. Đó còn là sự trân trọng, tình yêu dành cho thiên nhiên của những người công tác ở đây.

Những năm qua, Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương đã tạo được nhiều tiếng vang với 4 lần liên tiếp được trao tặng Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) ở hạng mục "Vườn quốc gia hàng đầu châu Á".

Theo ông Nguyễn Văn Chính - Giám đốc VQG Cúc Phương, chìa khóa cho thành công này chính là tình yêu của đội ngũ cán bộ, nhân viên với "mẹ thiên nhiên". 

Hành trình mang rừng đến gần với trái tim - 1
Các cán bộ, nhân viên VQG Cúc Phương lan tỏa tình yêu thiên nhiên đến du khách qua hoạt động tái thả động vật hoang dã (Ảnh: VQG Cúc Phương).

Trong trái tim những "Người làm vườn"

Cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã là quá trình đầy thử thách. Mỗi cá thể động vật đến với Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật của VQG Cúc Phương đều có câu chuyện riêng.

Đó có thể là một chú mèo bị thương nặng ở chân do vướng phải bẫy kẹp, một chú vượn con mồ côi vì mẹ bị trúng đạn của những người săn bắt trái phép. Đó có thể là một cá thể tê tê mẹ bị trầm cảm vì mất con. Các cá thể yếu ớt rất cần được chăm sóc về thể chất lẫn tinh thần.

Mỗi ngày, tại bệnh viện đặc biệt dành cho muông thú, những nhân viên chăm sóc và bác sĩ thú y đều đặn kiểm tra sức khỏe, chữa trị, ân cần hỗ trợ các cá thể phục hồi. Quá trình đồng hành cùng những "người bạn rừng" đã tạo nên sự liên kết kỳ diệu, khiến đội ngũ nhân viên coi động vật hoang dã như một phần quan trọng trong cuộc sống mình.

Giám đốc Nguyễn Văn Chính tâm niệm: "Hàng nghìn cá thể động vật hoang dã cần sự bảo vệ, chăm sóc của chúng tôi. Dù có ra sao, chúng tôi vẫn làm việc vì các bạn, vì mẹ thiên nhiên".

Hành trình mang rừng đến gần với trái tim - 2

Một chú rùa đang được chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật của VQG Cúc Phương (Ảnh: VQG Cúc Phương).

Các cán bộ, nhân viên ở VQG Cúc Phương chẳng mấy khi thể hiện tâm tư, tình cảm bằng lời. Nhưng mỗi người đều mong những "người bạn rừng" được sống trong điều kiện tốt đẹp nhất. Khi quá trình cứu hộ thành công, các cá thể được trở về rừng, đôi mắt những người làm công tác bảo tồn vẫn chẳng ngừng dõi theo.

"Mỗi lần chứng kiến các bạn động vật trở về ngôi nhà của mình, tôi rất cảm động. Đây là thành quả cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ nhân viên bảo tồn. Khoảnh khắc mở lồng để các bạn ấy về với tự nhiên, chúng tôi luôn tâm niệm thay chúng: vào rừng để về nhà", ông Chính chia sẻ. 

Hành trình mang rừng đến gần với trái tim - 3
Khoảnh khắc đưa động vật hoang dã "vào rừng để về nhà" (Ảnh: Menard Vietnam).

Để trái tim chạm đến trái tim

Bằng những hành động chân thành, công tác bảo tồn của VQG Cúc Phương đã chạm đến cảm xúc của nhiều tâm hồn yêu thiên nhiên.

Như tên gọi "thủ đô bảo tồn", Cúc Phương được ví như chiếc nôi của nhiều thế hệ cán bộ, chuyên gia bảo tồn trong nước. Qua học tập và công việc thực tiễn, đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản về chuyên môn. Về mặt tự nhiên, Cúc Phương cũng là kho dự trữ nguồn gen các loài động thực vật quý giá.

Những yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" ấy đã giúp Cúc Phương thu hút hàng trăm chuyên gia, tình nguyện viên khắp năm châu đến hỗ trợ chăm sóc, bảo tồn muông thú. Những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa của con người như được xóa nhòa nhờ một khát vọng chung: mang lại sự sống cho những "người bạn hoang dã".

Hành trình mang rừng đến gần với trái tim - 4

Elke Schwierz - chuyên gia quốc tế đến làm việc tại VQG Cúc Phương - đang chăm sóc loài chà vá chân nâu (Ảnh: VQG Cúc Phương).

Khi cuộc sống vừa ổn định sau đại dịch, Cúc Phương như khoác lên mình màu áo mới, mở toang cánh cửa vẫy gọi mọi người tìm đến thế giới hoang dã qua các hoạt động trải nghiệm.

Tái thả động vật hoang dã - hoạt động nổi bật trong "thủ đô bảo tồn" được đưa vào chương trình du lịch của vườn. Lần đầu tiên, người dân khắp cả nước có cơ hội tham quan khu bảo tồn động vật hoang dã, tận mắt chứng kiến khoảnh khắc thú rừng về "nhà".

Hành trình mang rừng đến gần với trái tim - 5

Công má vàng tự do sải cánh về "mái nhà" đại ngàn sau khi được tái thả (Ảnh: Menard Vietnam).

Tháng 4/2023 vừa qua, VQG Cúc Phương cũng có thêm tiếng nói và sự đóng góp tiếp nối của Thương hiệu mỹ phẩm cao cấp Menard cho hành trình bảo vệ động vật hoang dã.

Từ năm 2022, Menard đã đồng hành cùng Cúc Phương bảo trợ cho những động vật có hoàn cảnh đặc biệt. 2 năm qua, mỗi tháng 4 đến, đoàn Menard lại ghé thăm "mái nhà" Cúc Phương, tận tay đưa những cá thể hoang dã về rừng, từ đó lan tỏa mạnh mẽ những thông điệp nhân văn đến cộng đồng. 

Hành trình mang rừng đến gần với trái tim - 6
Đoàn Menard trong chuyến thăm "thủ đô bảo tồn" tháng 4/2023 (Ảnh: Menard Vietnam).

Bên cạnh Menard, VQG Cúc Phương cũng nhận được rất nhiều sự giúp sức từ các cá nhân và đơn vị khác.

Trước sự đồng lòng của nhiều trái tim khi cùng hướng về thiên nhiên, ông Nguyễn Văn Chính xúc động: "Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các cá nhân, tổ chức đã luôn đồng hành cùng VQG Cúc Phương. Nhờ sự chung tay đó, VQG Cúc Phương không chỉ hoàn thành tốt các mục tiêu bảo tồn ở thời điểm hiện tại, mà còn góp phần lan tỏa trách nhiệm và tình yêu đối với thiên nhiên cho thế hệ tương lai".