1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Hạn chót" làm luật Biểu tình, Trưng cầu ý dân

(Dân trí) - Luật Biểu tình được Thủ tướng đề xuất xây dựng từ 2 năm trước song đến nay vẫn vướng vì phải chờ sửa Hiến pháp. Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội, Phan Trung Lý yêu cầu Chính phủ chuẩn bị luật Biểu tình, Trưng cầu ý dân trong chương trình làm luật năm 2014.

Chiều 15/4, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2014 và điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2013. Theo dự kiến chương trình, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án Luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 5 dự án luật đã cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tới đây.

Trước đó, 2 luật Bảo hiểm và Hải quan đã được “xếp lịch” thảo luận trong kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 nhưng trong quá trình tổng kết thi hành các luật này và chuẩn bị các dự án luật đã có nhiều vấn đề mới phát sinh, bất cập. Do đó, Chính phủ đề nghị UB Thường vụ Quốc hội lùi thời gian trình 1 kỳ họp. Tán thành với đề nghị này, UB Pháp luật (cơ quan thẩm tra tờ trình của Chính phủ) cho rằng cần lùi thời gian trình để có thời gian nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đảm bảo chất lượng của dự án.

Bên cạnh đó, UB Pháp luật cũng đồng tình với đề nghị bổ sung hai dự án Luật là Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Cơ quan thẩm tra nhận định,  việc bổ sung hai dự án luật này vào Chương trình chính thức năm 2013 nhằm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị  tại Thông báo số 111 (ban hành 11/2012), trong có quy định cụ thể việc phong thăng quân hàm, cấp tướng trong Luật theo đúng quy định của Hiến pháp, theo hướng quy định chặt chẽ.
(Ảnh minh họa: Ngọc Diệp)
(Ảnh minh họa: Ngọc Diệp)
 

Ngoài ra, UB Pháp luật đề nghị bổ sung hai dự án luật Việc làm và Luật Hộ tịch vào Chương trình năm 2013, trình Quốc hội và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Tờ trình của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2014 nêu đề xuất 53 dự án luật và 2 dự án pháp lệnh. Trong đó, có 42 dự án thuộc Chương trình chính thức và 13 dự án luật thuộc Chương trình chuẩn bị.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị Chính phủ chuẩn bị thêm dự án luật Biểu tình và luật Trưng cầu ý dân sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi.

Ông Lý phân tích, hai dự án luật này đã thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII. Đây là các dự án luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cần được ban hành để thể chế hóa nội dung được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa thông tin thêm, việc đề nghị chuẩn bị dự án luật trên ngay trong năm 2014 là khó khăn cho Chính phủ do sau khi Hiến pháp sửa đổi vừa thông qua Chính phủ phải chuẩn bị một số lượng lớn luật. Ông Khoa cũng tán thành phương án đưa vào chương trình chuẩn bị trong năm 2014. Như thế đỡ gấp hơn so với đề xuất của UB Pháp luật để Chính phủ có thời gian chuẩn bị chất lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhận định, sau khi thông qua Hiến pháp, việc được đưa 2 luật  này vào chuẩn bị, xem xét để thông qua sẽ đem luồng sinh khí mới trong xã hội. Bản thân dự án luật cũng đã có trong chương trình làm việc của toàn khóa XIII. Nhưng do đây là vấn đề nhạy cảm, nên để sau khi thông qua Hiến pháp sẽ đưa thêm vào chương trình khi đủ điều kiện thích hợp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, 2014 là năm bản lề cần thiết chuẩn bị những luật hệ trọng sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua vào cuối năm 2013. Dù thế, ông Hùng không giấu băn khoăn tính khả thi về công tác chuẩn bị dự luật Biểu tình và Trưng cầu dân ý để xem xét cho ý kiến ngay trong năm 2014. Bởi lẽ, các cơ quan ban ngành chưa có bước chuẩn bị chính thức.

Được biết, luật Biểu tình được chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất xây dựng nhằm thể chế hóa quy định tại Điều 69 Hiến pháp hiện hành. Báo cáo trước Quốc hội nội dung này, Thủ tướng nhấn mạnh, hoạt động người dân xuống đường bày tỏ chính kiến thời gian qua, khi chưa có luật để quản lý, điều chỉnh đã “làm khó” cho cả người dân khi thực hiện quyền được hiến định lẫn chính quyền trong công tác quản lý, dễ nảy sinh lúng túng, từ đó làm phát sinh việc mất an ninh trật tự, xuất hiện hiện tượng lợi dụng của các thế lực xấu để kích động, xuyên tạc, gây phương hại cho xã hội.

P.Thảo