Hà Nội tiếp tục chào đón các nhà đầu tư Đức

(Dân trí) - Từ ngày 19 - 20/3, Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam và UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức thực hiện “Diễn đàn ngành nước Đức – Việt” nhằm tìm kiếm các nhà đầu tư từ Đức giàu kinh nghiệm và năng lực để đầu tư trong lĩnh vực ngành nước tại Hà Nội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

Gần 113 triệu USD vốn đầu tư đăng ký vào Hà Nội

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các chuyên gia Đức đã có buổi tham quan, làm việc tại Nhà máy Nước mặt Sông Đuống.

Hà Nội tiếp tục chào đón các nhà đầu tư Đức - 1

Là quốc gia nằm trong khối EU (đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam), quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - Đức ngày càng phát triển theo hướng bền vững. Đóng góp vào kết quả này không thể không kể đến Hà Nội - điểm hấp dẫn các nhà đầu tư EU nói chung và doanh nghiệp Đức nói riêng.

Một trong những hợp tác mới nhất giữa Doanh nghiệp Việt Nam và Đức thời gian gần đây là Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống. Đây là Dự án cung cấp nước sạch có quy mô lớn nhất miền Bắc tại Hà Nội (đã khánh thành giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2).

Hà Nội tiếp tục chào đón các nhà đầu tư Đức - 2

Kiểm tra thông số kỹ thuật tại Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Trước đó, hôm 14/3, tại buổi làm việc với nhà máy nước mặt sông Đuống, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định sự xuất hiện của Nhà máy nước mặt sông Đuống trên địa bàn TP đã đáp ứng sự mong mỏi của người dân trong nhiều năm, là cơ sở để thực hiện ý tưởng chuyển dần từ sử dụng nước ngầm sang nước mặt; chứng minh chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này của thành phố là hướng đi đúng đắn.

Hà Nội tiếp tục chào đón các nhà đầu tư Đức - 3

Bí thư Thành ủy Hà Nội - ông Hoàng Trung Hải đi thăm nhà máy nước mặt sông Đuống

Nước được xử lý tại Nhà máy nước mặt sông Đuống sử dụng công nghệ hiện đại của Đức với tiêu chuẩn quốc tế "uống ngay tại vòi".

Ngoài ra, có thể kể đến các dự án lớn như Dự án thương mại của Công ty TNHH Zott Việt Nam (32 triệu USD), Dự án sản xuất sản phẩm nhựa của Công ty TNHH Kim loại Đông đô (12,4 triệu USD), Dự án Thyssenkroup Services (5,8 triệu USD), Dự án thương mại của Công ty TNHH Styrolution (3,5 triệu USD), Dự án sản xuất hàng may mặc và thương mại của Công ty Van Laack (2 dự án – 5 triệu USD),… Tập đoàn B.Braun đã thông qua công ty con tại Malaysia để đầu tư dự án sản xuất thiết bị y tế, dược phẩm tại Hà Nội có vốn đầu tư 101 triệu USD…

Hà Nội tiếp tục chào đón các nhà đầu tư Đức - 4
2 tháng đầu năm 2019, theo số liệu từ Sở Kế hoạch & đầu tư Hà Nội, TP Hà Nội đã thu hút 4,01 tỷ USD (gấp 36,3 lần so với cùng kỳ năm 2018 (110,8 triệu USD).

Riêng với CHLB Đức, trong 2 tháng qua, hiện có 70 dự án có vốn đầu tư còn hiệu lực thực hiện tại TP Hà Nội với tổng vốn đầu tư đăng ký 112,9 triệu USD. Con số này là không nhỏ so với tổng số khoảng 300 DN Đức đang hoạt động đầu tư vào Việt Nam.

Xét về lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất với 50,75 triệu USD (chiếm 51,6%), tiếp đến là bán buôn và bán lẻ với 32,3 triệu USD (chiếm 32,7%), hoạt động chuyên môn khoa học kỹ thuật với 6,2 triệu USD (chiếm 6,3%).

Hà Nội tiếp tục chào đón các nhà đầu tư Đức

Theo khảo sát thường niên AHK World Business Outlook của Hệ thống các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức trên toàn thế giới (AHKs) vào cuối năm 2018, có tới 54% DN Đức muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong vòng 12 tháng tới và 52% muốn tuyển thêm nhân sự tại nhà máy của mình.

TS Wolfgang Manig - Trưởng phòng Kinh tế, Phó Đại sứ Đức cho biết, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, DN Đức coi việc hợp tác với DN Việt Nam là "cửa ngõ" để mở rộng hợp tác và đầu tư tại khu vực ASEAN. NĐT Đức không chỉ đón đầu cơ hội từ các Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU mà ở cả các Hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam tham gia để tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam như: Cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, chế biến, năng lượng xanh và tái tạo, công nghệ môi trường… 

Tại buổi tiếp Đoàn công tác thành phố Leipzig (Đức), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác với các quốc gia, DN, NĐT và mong hệ thống Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tiếp tục kết nối với các DN Đức xúc tiến đầu tư vào Hà Nội.

Hà Nội đang tập trung xây dựng nền tảng thành phố thông minh nhằm giải quyết các vấn đề nóng trong quản lý đô thị. Smart City quy hoạch xây dựng một hạ tầng hiện đại, đồng bộ ở những lĩnh vực định ứng dụng các "thông minh", ngoài quan trắc nước, còn có các mảng như giao thông, thoát nước, môi trường xử lý rác thải, quan trắc không khí, giáo dục, y tế...

Được biết, hiện kim ngạch thương mại hai chiều giữa Hà Nội và Đức đạt khoảng 900 triệu USD/năm.Thành phố Hà Nội cũng đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các NĐT nước ngoài, trong đó có Đức hoạt động hiệu quả. Đó là phát triển đồng bộ hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận và thảo luận các ý tưởng đầu tư của các DN cũng như sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các NĐT Đức khi đến với Hà Nội.

Hương Nguyễn