1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Khách du xuân bị “chặt chém” tơi bời

(Dân trí) - Không chỉ mất 20 - 100 nghìn để gửi mỗi phương tiện đi lại, khách du xuân phải tiếp tục xót xa móc hầu bao trả gấp tiền gấp rưỡi đến gấp đôi ngày thường khi bước vào quán ăn, thậm chí muốn mua một chữ thư pháp khách cũng bị “chặt đẹp”.

Bước vào những ngày cuối cùng trong dịp nghỉ Tết Quý Tỵ, các địa điểm văn hóa, du lịch công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội dường như càng thêm tấp nập. Bãi giữ xe trên phủ Tây Hồ. Trưa mùng 7 Tết, chị Hoa và các bạn rủ nhau đi lễ trên Phủ Tây Hồ. Chen chúc, luồn lách mãi, chị Thanh Hoa (ở  Linh Đàm- Hà Nội) mới dắt được chiếc xe vào bãi gửi đầu đường Xuân Diệu. Giá in trên vé chỉ 3.000 đồng/xe những tất cả đều phải trả cho mỗi lần gửi 25.000 đồng, gấp hơn 8 lần so với quy định. Mọi thắc mắc của khách đều nhận được câu trả lời gọn lỏn của nhân viên phát vé, thu tiền: “Giá ngày Tết là thế, đi đâu cũng vậy, không muốn gửi cứ đi tìm chỗ khác…”.

Nhìn tình cảnh biển người chen chúc, xô đẩy muốn đi bộ cũng khó, đừng nói đến chuyện đem xe đi tìm bãi gửi khác giá rẻ hơn, chị Hoa và các bạn đành bấm bụng chi tiền mà nhận lấy tờ phiếu gửi xe, tiếp tục hành trình đã định.

Dọc cả đoạn đường dài, hàng chục bãi xe rộng mêng mông đã chật kín ô tô, xe máy gửi, khói thải từ dòng xe vào ra đến ngạt thở. Do lượng người đổ về quá đông nên khu vực xung quanh các gian điện thờ chính chật cứng người, ai cũng cố len sát vào ban thờ đề đặt  đồ lễ hoặc đặt tiền công đức. Những người không tìm được chỗ đặt đồ đành đội lễ trên đầu, đứng ngoài sân khấn vọng vào.

Trên cao loa, đài của ban tổ chức  liên tục phát đi lời cảnh báo khách thập phương đề phòng kẻ gian lợi dụng cơ hội đông người rạch, móc túi. Nhưng kể từ mùng 1 đến nay, ngày nào cũng có người mếu máo, hốt hoảng đến trình báo chuyện mất tư trang, ví tiền, điện thoại.

Tình cảnh tượng tự cũng diễn ra tại các chùa Quán Sứ, Phúc Khánh … Bên ngoài chùa Phúc Khánh, các bãi gửi xe tự phát của người dân sống quanh đó mọc như nấm. Bãi gửi được tận dụng là trước cửa các cơ quan, cửa hàng đang nghỉ Tết. Vé gửi là những mẩu giấy nhàu nhĩnh đánh số, giá mỗi lần gửi được hét tới 20-30 nghìn đồng/xe.

Cũng trong những ngày nghỉ Tết, Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút đông đảo khách thập phương đến dâng hương, thăm quan. Không bỏ qua cơ hội “vàng”  hàng loạt bãi trông xe tư nhân được dịp bung ra mặc sức “chặt chém”. Giá trông giữ xe máy cũng được hét là 20-30 nghìn đồng/lượt, thậm chí còn hơn; còn ô tô là 100- 120 nghìn.

 
Khách vào chùa Phúc Khánh phải trả 20 -25 nghìn/lượt gửi xe máy. (Ảnh: TT)
Khách vào chùa Phúc Khánh phải trả 20 -25 nghìn/lượt gửi xe máy. (Ảnh: TT)
 
Đưa con trai 8 tuổi đến thăm quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chị Bích Thảo ở phố Giáp Nhị, Thịnh Liệt không khỏi choáng váng với những khoản tiền phải bỏ ra chỉ trong buổi chiều ngắn ngủi. Ngoài khoản tiền gửi xe máy 25 nghìn, chị cũng còn mất thêm 450 nghìn để mua được 3 chữ thư pháp tại một quán hàng  chuyên bán chữ bên trong Văn Miếu.
 
“Mức giá quá đắt, nhưng vì đã hứa với người nhà sẽ mang chữ đem về treo lấy may đầu năn, nên cũng phải bấm bụng trả tiền. Con trai đói bụng đòi ăn phở, hai mẹ con đưa nhau ra ăn hai bát phở bò, đứng lên chủ quán đòi 120 nghìn/ 2 bát. Như vậy, chỉ trong một buổi chiều đi thăm quan một địa điểm tôi đã chi mất 600 nghìn”- chị  Thảo than thở.
 
Chia sẻ tình cảnh bị chặt chém, Minh Hòa, nữ sinh viên Đại học FPT ở Bạch Mai cho biết, mùng 3 Tết cô và 2 người bạn cũng được phen đắng miệng khi miệng khi phải trả lới 180 nghìn cho 3 tô bún riêu nhạt hoét bán ở khu Lim Liên.
 
Cũng trong những ngày Tết hàng loạt quán lẩu, nướng vỉa hè trải dọc khu vực trường cấp I- II Tô Hoàng, phố Đại Cồ Việt  được phen hốt bạc. Với lý giải ngày Tết thực phẩm tăng giá, những người bán hàng ở đây cũng tranh thủ “chém đẹp” thực khách chủ yếu là thanh niên. Nồi lẩu bắp bò riêu cua 2 người ăn được thổi giá lên tới 400 trăm nghìn đồng, các loại đồ nướng cũng tăng giá 30- 50 %, đồ uống tăng 10 %.

Phạm Thanh