Hà Nội di chuyển gần 6.000 dân phố cổ sang Việt Hưng
Sáng 16/1, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã họp báo về thực hiện Đề án giãn dân phố cổ. Theo đó, số hộ dân thuộc diện di chuyển giai đoạn 1 của đề án theo thống kê là 5.963 nhân khẩu.
Ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định việc giãn dân phố cổ là yêu cầu hết sức cấp bách.
Giai đoạn I, sẽ tập trung di chuyển những hộ dân hiện đang sống trong các công trình di tích, công sở, trường học, những công trình có giá trị cần bảo tồn, biển số nhà xuống cấp, nguy hiểm; các biển số nhà đông hộ dân và những hộ dân tự nguyện di chuyển khỏi phố cổ.
Từ tháng 1/2015 tiến hành đo đạc, lập hồ sơ kỹ thuật đối với các hộ dân trong diện GPMB bắt buộc làm cơ sở lập phương án đền bù và phân bổ quỹ nhà tại khu đô thị Việt Hưng. Từ tháng 3/2015 tiến hành phân định rõ số liệu sở hữu đất và hợp đồng thuê nhà, phát phiếu đăng ký nhu cầu sử dụng căn hộ đến các hộ dân trong nhóm đối tượng nhà ở đông hộ, nhà ở có giá trị đặc biệt để lập hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở tại khu đô thị giãn dân phố cổ Việt Hưng quận Long Biên.
Về dự án xây dựng nhà ở phục vụ cho việc giãn dân phố cổ chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I với khu đất diện tích 11,12ha tại đô thị Việt Hưng. Tại đây dự kiến khi xây dựng xong sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở cho 1530 hộ dân.
Giai đoạn 2: UBND quận Hoàn kiếm đang đề nghị thành phố bố trí quỹ đất khoảng 30 ha để di dời 5020 hộ dân. Việc thực hiện Đề án giãn dân sẽ kết thúc vào năm 2020.
Về dự án nhà ở tại đô thị Việt Hưng, quận Hoàn Kiếm cho biết có quy mô gồm 16 khối nhà chung cư cao từ 8-9 tầng, 1 công trình hỗn hợp cao 15 tầng và 1 nhà trẻ cao 3 tầng. Các tòa nhà đều có tầng hầm để xe. Hạ tầng xã hội cũng được đầu tư đồng bộ với nhà trẻ 3 tầng diện tích 2.012m2 đất đảm bảo sinh hoạt và học tập cho 400 cháu nhỏ là con em người dân khu phố cổ sang định cư.
Dự kiến toàn bộ dự án giai đoạn I sẽ được khởi công vào tháng 3/2015 và hoàn thành vào quý III năm 2017.
Ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định, việc thiết kế, quy hoạch cho dự án nhà ở giãn dân đã được tính toán rất kỹ, tham khảo nhiều chuyên gia để xây dựng nên khu nhà đầy đủ các tiện ích, thân thiện môi trường. Giãn dân phố cổ nói riêng và khu vực nội đô lịch sử nói chung là yêu cầu quyết liệt của Chính phủ và thành phố Hà Nội nhằm bảo tồn và phát triển không gian văn hóa, lịch sử, hệ thống các di tích và hệ thống hạ tầng xã hội. Việc di dời sớm các hộ hiện nay đang sống trong di tích, đình chùa, trường học cũng là nhằm mục tiêu này…
Theo Minh Tuấn
Tiền Phong