Hà Nội: Đến năm 2025, Bí thư cấp huyện sẽ không còn là người địa phương
(Dân trí) - Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc bố trí Bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương.
Sáng 29/4, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII tổ chức Hội nghị lần thứ 4 để họp bàn, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nay, các cấp ủy đảng trên cả nước đang quyết liệt, tích cực triển khai các nhiệm vụ chính trị để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn, như tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu "Đại hội chỉ là mở đầu… Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải, vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội".
Ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã tổ chức 3 Hội nghị Thành ủy để kiện toàn nhân sự và thông qua các nội dung về Quy chế làm việc, Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII; quy chế, chương trình kiểm tra, giám sát của Thành ủy; định hướng về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công; 10 Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội và tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố sẽ thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Chương trình hành động của Đảng bộ Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố; Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo...
"Hai nội dung trình Ban Chấp hành lần này là rất quan trọng, sẽ là căn cứ để toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố thực hiện trong suốt nhiệm kỳ này và những năm tiếp theo", ông Dũng nhấn mạnh.
Trên 50% Bí thư, Chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương
Cũng trong sáng nay, trình bày tờ trình Dự thảo về Nghị quyết về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, mục tiêu của Nghị quyết là xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thành phố có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu; tư duy, khát vọng đổi mới; năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ…
Mục tiêu cụ thể đặt ra là đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ diện Ban Thường vụ các cấp ủy quản lý đạt tối thiểu 15%, cán bộ nữ đạt tối thiểu 15%; 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; 100% cán bộ cấp sở, ngành, đảng bộ trực thuộc quản lý có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý được bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới.
Theo ông Bảo, một trong những khâu đổi mới trong thực hiện các khâu của công tác cán bộ là công tác quy hoạch cán bộ.
Cụ thể, thực hiện luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử phải trong quy hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định. Tăng cường luân chuyển cán bộ, thực hiện luân chuyển dọc, luân chuyển ngang giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị; luân chuyển giữa các vị trí công tác trong cùng một đơn vị.
"Đến 2025, hoàn thành việc bố trí Bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương. Từng bước bố trí chức danh Chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương. Bố trí, sắp xếp trên 50% Bí thư, Chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương", Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cho biết.