Gặp khó xử lí cán bộ dôi dư sau sáp nhập, Hà Tĩnh "cầu cứu" Chính phủ

(Dân trí) - Nếu thực hiện sáp nhập xã theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, số cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp của tỉnh Hà Tĩnh lên đến 683 người. Việc xử lí công việc, chế độ chính sách cho số cán bộ dôi dư này hợp cả lí và tình không hề đơn giản, buộc Hà Tĩnh phải kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế giải quyết.

Mới đây, vào ngày 27/5, đoàn công tác của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn dẫn đầu có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.

Sau khi dẫn đoàn công tác của Chính phủ đi khảo sát thực tế phương án, lộ trình thực hiện sáp nhập xã tại TX Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo với đoàn sơ bộ phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong năm 2019 của Hà Tĩnh.

Gặp khó xử lí cán bộ dôi dư sau sáp nhập, Hà Tĩnh cầu cứu Chính phủ - 1

Trụ sở xã Đức Tùng (huyện Đức Thọ) khang trang sau phong trào xây dựng Nông thôn mới

Theo báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp trong năm 2019 của tỉnh là 80 xã, trong đó 50/63 xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, 20 xã liên quan, 10 xã thuộc diện khuyến khích. Sau khi sắp xếp, Hà Tĩnh sẽ giảm 47 xã, hình thành 33 xã mới. Có 21 xã mới bảo đảm theo quy định về quy mô, dân số và 12 xã mới chưa đảm bảo theo quy định về quy mô dân số và diện tích.

Tại buổi làm việc, Hà Tĩnh đã báo cáo đoàn công tác của Chính phủ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương sau sáp nhập như: xây dựng cơ sở hạ tầng, hướng dẫn quy trình lựa chọn, bố trí người đứng đầu tổ chức bộ máy sau sắp xếp; hướng dẫn việc sắp xếp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã; việc đặt tên xã mới sau sáp nhập; việc kết nối liên thông khi xã mới hình thành; hệ thống cơ sở hạ tầng sau sắp xếp…

Một trong những vướng mắc, khó khăn hiện nay mà địa phương này gặp khó đó là giải quyết chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh này hiện có 5.095 cán bộ công chức cấp xã. Số lượng CBCC cấp xã nếu bố trí theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (tức sau sáp nhập) là 4.412 người. Như vậy, số cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp là 683 người.

Báo cáo với đoàn công tác của Chính phủ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết, dù đã rất nỗ lực nghiên cứu trên cơ sở các văn bản hiện hành và điều kiện thực tiễn của địa phương, tuy nhiên Hà Tĩnh hiện đang gặp khó khăn trong giải quyết việc làm, chế độ cho số cán bộ dôi dư này.

Gặp khó xử lí cán bộ dôi dư sau sáp nhập, Hà Tĩnh cầu cứu Chính phủ - 2

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh mong đoàn công tác quan tâm, chia sẻ với khó khăn của tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh mong đoàn công tác quan tâm, chia sẻ và tham mưu Chính phủ có hướng dẫn kịp thời để tạo cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện sớm, tạo sự đồng tình, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc sáp nhập xã. Những vướng mắc, khó khăn của Hà Tĩnh là không tránh khỏi, đây cũng là cơ sở giúp đoàn có một cái nhìn toàn diện để đúc rút, báo cáo, tham mưu với Chính phủ.

Gặp khó xử lí cán bộ dôi dư sau sáp nhập, Hà Tĩnh cầu cứu Chính phủ - 3

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vào chiều 27/5.

Thứ trưởng đề nghị tỉnh Hà Tĩnh trong đề án cần luận giải rõ các lý do, đủ sức thuyết phục Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với những địa phương thuộc diện bắt buộc sáp nhập mà tỉnh kiến nghị trung ương chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021,

Với mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, phục vụ nhân dân tốt hơn, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định, theo thẩm quyền quy định, Bộ Nội vụ sẽ nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể về cơ chế chính sách cho đội ngũ cán bộ dôi dư và phương án sắp xếp cán bộ sau sáp nhập để Hà Tĩnh làm cơ sở thực hiện.

Văn Dũng