Gần 400.000 m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin đang chờ xử lý triệt để
(Dân trí) – Ngày 2/12, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ quốc tế về đánh giá và xử lý ô nhiễm dioxin/các chất hữu cơ khó phân hủy POPS ở Việt Nam.
Hội thảo là một phần dự án trị giá 5 triệu đô – la Mỹ do UNDP (Chương trình phát triển Liên hiệp quốc) và GEF (Quỹ môi trường toàn cầu) khởi động vào tháng 7/2010. Dự án tập trung vào việc hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu các tác động tiêu cực liên quan lên các hệ sinh thái và sức khỏe con người từ nguồn thải dioxin từ các điểm nóng ô nhiễm. Văn phòng Ban chỉ dạo 33 thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thực hiện dự án có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ quốc phòng, các bộ khác và UBND các tỉnh Bình Định, Đồng Nai và TP Đà Nẵng.
Các chất hữu cơ khó phân hủy (POPS) là một nhóm các hợp chất hóa học được quan tâm đặc biệt vì độc tính và tính bền vững trong môi trường. Dioxin là một trong các chất POPS được kiểm soát toàn cầu theo công ước Stockholm.
Dioxin có mối liên hệ tới rất nhiều các vấn đề về sức khỏe và môi trường, bao gồm các dị tật. Việt Nam là quốc gia phải đối mặt với những thách thức lớn nhất liên quan đến dioxin. Trong 40 năm đã trôi qua, dioxin vẫn tồn tại trong môi trường và xung quanh các điểm nóng ô nhiễm. Ít nhất hơn 240.000 m3 đất và trầm tích ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa cần được xử lý. Nồng độ dioxin lên tới 365.000 ppt về độ độc tương đương theo tiêu chuẩn quốc tế. Dioxin ở Việt Nam là sản phẩm phụ khi sản xuất hỗn hợp chất diệt cỏ có tên “chất da cam” được sử dụng trong chiến tranh. Chất độc này tồn tại trong thời gian dài trong không khí, nước và trong đất. Đất ô nhiễm dioxin thường trở thành trầm tích trong các ao hồ, sông và sau đó lan sang cá và các động vật khác.
Theo TS Nguyễn Văn Minh, Hội đồng tư vấn về khoa học công nghệ (Ban chỉ đạo 33), trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã phun rải xuống miền Nam Việt Nam gần 80 triệu lít các chất diệt cỏ, trong đó chủ yếu là chất da cam chứa dioxon. Tổng lượng dioxin trong chất diệt cỏ nói trên ít nhất là 366 kg. Tại một số căn cứ quân sự cũ như Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát hiện còn những khu vực ô nhiễm nặng chất da cam/dioxin. Trong chiến tranh, đây là nơi nạp chất diệt cỏ lên máy bay, rửa máy bay sau khi đi phun rải về và chứa các vỏ thùng đựng chất diệt cỏ.
Ở sân bay Phù Cát: 7.500 m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin đã được chôn lấp an toàn năm 2012.
Ở sân bay Đà Nẵng: 72.900 m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin sẽ được xử lý triệt để bằng công nghệ IPTD của Hoa Kỳ từ năm 2014 đến năm 2016.
Ở Sân bay Biên Hòa: 94.000 m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin đã được chôn lấp an toàn năm 2009, còn 300.000 m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin chưa được xử lý.
Như vậy, gần 400.000 m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin đang chờ công nghệ khả thi để xử lý triệt để.
Cũng theo TS Minh, không có khu vực nào trên thế giới nhiễm dioxin nặng như các điểm nóng ở Việt Nam. Có thể áp dụng các phương pháp xử lý các chất POPS nhưng trên thực tế các nước chủ yếu áp dụng hai phương pháp đó là nhiệt và chôn lấp. Trong khi chờ đợi các loại hình công nghệ mới, đáp ứng các tiêu chí cho xử lý triệt để dioxin ở sân bay Biên Hòa nên lựa chọn kết hợp 2 loại công nghệ: khử hấp thụ nhiệt tại chỗ ISTD hoặc tại mố và chôn lấp tích cực.
Theo Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 33 và giám đốc dự án quốc gia, PGS.TS Lê Kế Sơn: “Với cách tiếp cận tương đối toàn diện đối với các vấn đề chất da cam/dioxin ở Việt Nam, dự án “xử lý dioxin tại các điểm nóng ở Việt Nam” đã có những đóng góp rất quan trọng xét về lý thuyết và thực tiễn. Dự án đã xử lý khu ô nhiễm dioxin trong sân bay Phù Cát, góp phần quan trọng ngăn chặn lan tỏa dioxin trong sân bay Biên Hòa, xây dựng kế hoạch tổng thể xử lý dioxin tại Biên Hòa. Dự án đã tổ chức nghiên cứu, lựa chọn và áp dụng các công nghệ xử lý dioxon trong điều kiện Việt Nam. Những hoạt động của dự án, bao gồm cả các hoạt động đào tạo và truyền thông, đã góp phần rất quan trọng nâng cao năng lực nghiên cứu và phòng chống dioxin và các chất độc hại tại Việt Nam.
“Việt Nam cần một công nghệ có hiệu quả và phù hợp về mặt kinh tế để xử lý dioxin và trả lại môi trường trong lành và an toàn cho người dân. Do những trì hoãn trong công tác xử lý, dioxin tiếp tục là nguồn gây ô nhiễm lớn hơn đối với môi trường và đặt ra rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe đối với con người đặc biệt là thông qua chuỗi thức ăn”, ông Bakhodir Burkhanov, phó giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam nói.
Khánh Hồng