Đưa 260 vụ án tham nhũng, tiêu cực ở các tỉnh vào diện theo dõi, chỉ đạo
(Dân trí) - Năm 2023, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã đưa 260 vụ vào diện theo dõi, chỉ đạo. Các cơ quan chức năng địa phương cũng khởi tố mới 763 vụ án và hơn 2.000 bị can tham nhũng.
Thông tin này được nêu tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, diễn ra sáng 10/1.
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng khẳng định tuy mới được thành lập, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã triển khai quyết liệt, toàn diện, cả về phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Khởi tố hơn 2.000 bị can tham nhũng ở các địa phương
Trong năm 2023, các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã tiến hành 212 cuộc kiểm tra, giám sát; chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kiểm tra các chuyên đề, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và các cơ quan chức năng ở Trung ương.
Báo cáo dẫn chứng việc thanh tra thực hiện một số gói thầu, dự án liên quan đến Tập đoàn FLC, Công ty AIC; kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, Cục Lãnh sự, Cục Đăng kiểm..
Cũng trong năm 2023, ông Dũng cho biết các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo (tính từ khi thành lập đã đưa 679 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo). Đi kèm với việc này, các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng (tăng gần 2 lần so với năm 2022), điển hình ở các địa phương như TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Sơn La, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa…
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhận định nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tồn đọng, kéo dài đã được chỉ đạo xử lý.
Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến cả cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có cả nguyên bí thư tỉnh ủy, nguyên chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo chủ chốt cấp huyện.
Trong đó, Thanh Hóa đã khởi tố cả nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh và nhiều giám đốc sở, bí thư huyện ủy.
Lào Cai khởi tố nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Nam khởi tố, điều tra 1 nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh, 1 nguyên giám đốc và 1 phó giám đốc sở…
Đặc biệt, theo lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, một số ban chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo "chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan chống tham nhũng", chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều trường hợp cán bộ, công chức trong các cơ quan này có sai phạm về tham nhũng, tiêu cực.
Kết quả đó khẳng định sự chuyển biến rõ nét, bước tiến mới trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, khắc phục ngày càng hiệu quả tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", theo lời ông Võ Văn Dũng.
Xử lý dứt điểm hàng loạt đại án
Với ngành Nội chính Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết trong năm 2023, ngành đã quyết liệt hơn trong tham mưu đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, cũng như về chủ trương, định hướng xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Việc này vừa đảm bảo nghiêm minh, nhưng cũng nhân văn, thuyết phục, theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cụ thể, ngành Nội chính Đảng đã tham mưu ban hành 75 văn bản chỉ đạo về chủ trương, đường lối xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo; tham mưu chỉ đạo ban hành chủ trương phân hóa xử lý các đối tượng vi phạm trong các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, lĩnh vực đăng kiểm…
Đề cập nhiệm vụ năm 2024, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết ngành nội chính sẽ tham mưu, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.
Cơ quan này cũng sẽ tham mưu, chỉ đạo khẩn trương kết luận, xử lý dứt điểm các sai phạm của các tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến công ty Việt Á, công ty AIC, tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, lĩnh vực đăng kiểm và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Bên cạnh việc gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương sẽ tiếp tục rà soát, đưa các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực cũng sẽ được khắc phục hiệu quả trong năm 2024.