Chủ tịch Quốc hội:
“Doanh nghiệp không thiết tha BOT nữa mà còn tính chưa làm đã kiểm toán?”
(Dân trí) - “Giờ nói tới BOT, không doanh nghiệp nào tha thiết làm cầu, đường BOT nữa mà lại đẻ thêm quy định nữa như dự án chưa làm đã nhảy vào kiểm toán trước, làm xong kiểm toán lần 2 thì có khả thi không”?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu câu hỏi đó tại phiên thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại UB Thường vụ Quốc hội chiều 24/3.
Làm luật không phải để “đẻ” ra thủ tục, trình tự
Tại phiên thảo luận, đề xuất quy định kiểm toán trước khi ký kết hợp đồng PPP là vấn đề nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Đề xuất quy định này được đưa ra trong dự thảo luật với nội dung, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, bản chất là dự án đầu tư công nên Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư tư nhân.
Luật còn quy định cụ thể, hoạt động kiểm toán trước khi ký kết hợp đồng. Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tuân thủ theo pháp luật kiểm toán Nhà nước về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, việc kiểm toán với các dự án PPP là cần thiết và dứt khoát phải làm vì tất cả công trình thực hiện theo hình thức đối tác công-tư cũng đều là tài sản nhà nước. Theo nguyên tắc chung, việc tham gia kiểm toán bắt buộc, không phân biệt nơi này thì kiểm toán, nơi khác thì không.
Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhận xét, vấn đề kiểm toán, tham gia kiểm toán hồ sơ trước khi ký hợp đồng là quy định mới, quy định này phải xem xét có phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị làm rõ những quy trình thủ tục giám sát trong các dự án PPP, tránh ảnh hưởng đến việc kêu gọi thu hút đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không phải xem thường vai trò của các hình thức giám sát khác nhau trong quá trình thực hiện dự án nhưng phải đặt như nào để phù hợp với tình hình thực tế, chứ không phải làm luật để “đẻ” ra bao nhiêu trình tự, thủ tục hồ sơ, vượt quá năng lực thẩm định, giám sát và không thực tế.
“Đây là dự án luật rất khó, không đơn giản. Giờ nói tới BOT, không doanh nghiệp nào tha thiết làm cầu, đường BOT nữa mà lại đẻ thêm quy định như dự án chưa làm đã nhảy vào kiểm toán trước, làm xong kiểm toán lần 2 thì cần xem lại tính khả thi và phù hợp với thông lệ quốc tế” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Dự án giảm doanh thu nhà nước lại “chia sẻ” sẽ thành gánh nợ
Một vấn đề khác được đặt ra tại phiên thảo luận là về quy định cơ chế chia sẻ rủi ro khi dự án PPP giảm doanh thu.
Theo dự thảo luật, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu được áp dụng cho tất cả các dự án PPP theo cơ chế nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng thu hoặc Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng đối với dự án PPP.
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị phân biệt rõ từng trường hợp, dự án bị giảm doanh thu do thay đổi chính sách, thay đổi quy hoạch thì Nhà nước bù đắp, do lý do bất khả kháng… thì Nhà nước chia sẻ còn do khả năng dự báo, vận hành, quản lý của nhà đầu tư không tốt thì doanh nghiệp phải tính toán, nhà nước không bao sân quá nhiều.
“Phải làm rõ khi nào chia sẻ rủi ro và chia sẻ ở mức nào chứ cứ giảm doanh thu là Nhà nước phải bỏ tiền chia sẻ là vô lý. Không cẩn thận, việc này sẽ gây gánh nợ cho quốc gia khi thực hiện tràn lan các dự án PPP” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cảnh báo.
Phương Thảo