Doanh nghiệp chi phí cho giải quyết thủ tục ở lĩnh vực nào nhiều nhất?
(Dân trí) - Đứng đầu về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) hiện nay là lĩnh vực môi trường với mức giá trên 63,3 triệu đồng; chi phí thấp nhất thuộc về lĩnh vực thuế với 267 nghìn đồng…
Những con số này được nêu tại cuộc họp báo công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC (APCI) năm 2020 do Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng tổ chức sáng 17/3.
Lần đầu ra mắt năm 2018, APCI phản ánh nhận thức rằng các TTHC đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà nước nhưng cũng tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, qua đó đè nặng lên vai người tiêu dùng vì giá cả của hàng hóa và dịch vụ cao hơn, giảm năng lực cạnh tranh.
Báo cáo APCI 2020 là bảng xếp hạng được thực hiện lần thứ 3, với 9 nhóm TTHC, gồm: nhóm TTHC Thuế, Khởi sự doanh nghiệp Kiểm tra chuyên ngành Đất đai Giao dịch thương mại qua biên giới Điều kiện kinh doanh Đầu tư Xây dựng Môi trường.
Kết quả APCI 2020 được đánh giá là cho thấy sự cải thiện đáng kể các chỉ số so với năm 2018, 2019, phản ánh nỗ lực của Chính phủ, chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. APCI 2020 cũng cho thấy vẫn còn dư địa để tiếp tục công cuộc cải cách TTHC.
Trong lần thứ 3 thực hiện việc đánh giá, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC thu được kết quả từ phiếu khảo sát của gần 3.000 doanh nghiệp đã thực hiện các TTHC trên cả nước trong 6 tháng cuối năm 2019 (từ tháng 7 đến tháng 12/2019) về thời gian và các chi phí cần thiết để thực hiện TTHC.
Kết quả khảo sát phản ánh chi phí thực tế (chi phí thời gian và chi phí trực tiếp, trả bằng tiền) mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện thủ tục.
Kết quả cụ thể, đứng đầu về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính là của lĩnh vực môi trường với mức giá tính ra là trên 63,3 triệu đồng; thứ 2 là lĩnh vực xây dựng, xấp xỉ 25,3 triệu đồng; thứ 3 là lĩnh vực đầu tư với 9,1 triệu đồng. APCI thấp nhất trong 9 nhóm TTHC được khảo sát là lĩnh vực Thuế với 267 nghìn đồng.
Lý giải của chuyên gia cho thấy, với nhóm TTHC Môi trường, năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã có nhiều nỗ lực để các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc tuân thủ và thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường theo Nghị quyết 19 năm 2-18 của Chính phủ. Sự thay đổi lớn nhất chính là thay đổi trong phương pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, và quản lý đúng đối tượng.
Để thực hiện TTHC trong nhóm Môi trường, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 61,5 giờ; chi phí trực tiếp là 3,1 triệu đồng. Theo khảo sát APCI 2020, cứ 100 doanh nghiệp thì có 52 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện các thủ tục liên quan đến môi trường, đặc biệt là cho thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đối với nhóm TTHC Thuế, theo báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến tháng 11/2019, có 99,9% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử; 99,6% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, 93,6% doanh nghiệp hoàn thuế điện tử trên toàn quốc. Ngành thuế đã từng bước hoàn thiện mô hình thủ tục thuế điện tử và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính, giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân.
Báo cáo APCI 2020 cho thấy để thực hiện các TTHC trong nhóm Thuế, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 3,8 giờ và 11.600 đồng chi phí trực tiếp. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói thấp, khoảng 5% với chi phí trung bình 500.000 đồng/TTHC.
TTHC Thuế cũng là 1 trong 4 nhóm thăng hạng trong APCI năm vừa qua (đứng đầu trong số các nhóm, với mức tăng 5,6 điểm so với năm 2019).
Đứng thứ hai về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC Kiểm tra chuyên ngành với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5 điểm so với năm 2019.
TTHC Môi trường, dù có mức chi phí cao nhất nhưng cũng là nhóm TTHC đứng thứ ba về mức độ cải thiện (được đánh giá tăng 0,5 điểm so với năm 2019). Phân tích các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện của nhóm Môi trường chưa phải thực chất.
Đứng thứ tư về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC Điều kiện kinh doanh, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,2 điểm so với năm 2019.
Các nhóm TTHC Khởi sự doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Đất đai và Giao dịch thương mại qua biên giới là 5 nhóm thủ tục có điểm giảm so với APCI 2019. Mặc dù đây vẫn là những nhóm có điểm APCI tốt trong năm 2020 so với các nhóm khác nhưng lại giảm điểm so với chính nhóm đó ở năm 2019. Điều này cho thấy yêu cầu, hoạt động cải cách luôn phải được duy trì bền bỉ.