Đoàn ĐBQH Thanh Hóa: Bám sát "hơi thở" của cuộc sống

Duy Tuyên Thanh Tùng

(Dân trí) - Trong 5 năm qua, các đại biểu của Đoàn ĐBQH Thanh Hóa luôn bám sát "hơi thở" của cuộc sống để chuyển tải vào chương trình nghị sự; đồng thời triển khai tốt nhiều hoạt động an sinh xã hội.

Đoàn ĐBQH Thanh Hóa: Bám sát "hơi thở" của cuộc sống

Ngày 10/4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa, khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tham dự Hội nghị có ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); ông Uông Chu Lưu, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; cùng các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa.

Những dấu ấn của nhiệm kỳ

Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa XIV có 14 đại biểu, trong đó, có 6 ĐBQH công tác tại Trung ương, 8 ĐBQH công tác tại địa phương.

Đoàn ĐBQH Thanh Hóa: Bám sát hơi thở của cuộc sống - 1

Ngày 10/4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa, khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Trong 5 năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò là đại diện của cử tri, luôn sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn hành động vì lợi ích của nhân dân, của tỉnh và của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong việc tham gia trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

5 năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa và các ĐBQH tỉnh khóa XIV đã đề cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa.

Đoàn ĐBQH Thanh Hóa: Bám sát hơi thở của cuộc sống - 2

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tham dự Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khóa XIV.

Trong nhiệm kỳ qua, một trong những hoạt động nổi bật của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa là công tác xây dựng pháp luật; tiếp tục để lại những dấu ấn tốt đẹp trong cử tri và Quốc hội với những hoạt động đầy trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu tại nghị trường với 120 lượt ý kiến phát biểu, tranh luận tại hội trường và 228 lượt ý kiến phát biểu tại các buổi thảo luận tổ.

Nhiều ý kiến tham gia chất lượng, phù hợp thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của cử tri, được Quốc hội, cử tri đánh giá cao, được Chính phủ, các bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu, giải trình.

Nhiệm kỳ qua cũng đánh dấu những thành công của Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát, khảo sát. Qua giám sát, đoàn đã có kiến nghị, đề xuất với Quốc hội những vấn đề về chính sách, cơ chế để thực hiện tốt những nội dung đã giám sát; kiến nghị với các cơ quan quản lý, rút kinh nghiệm, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế. Do vậy, nhiều kiến nghị đề xuất của đoàn đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu giải quyết, góp phần tích cực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Đoàn ĐBQH Thanh Hóa: Bám sát hơi thở của cuộc sống - 3
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghị

Các ĐBQH đã quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, bám sát "hơi thở" của cuộc sống để chuyển tải vào chương trình nghị sự; chủ động, tích cực tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ vào các nội dung Quốc hội xem xét, quyết định.

Với phương châm gần dân, sát dân, các ĐBQH trong phạm vi, khả năng của mình đã tăng cường đi cơ sở, tìm hiểu, nắm bắt tình hình thực tế để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất của cử tri; quan tâm thực hiện tốt công tác dân nguyện.

Công tác tiếp xúc cử tri được đoàn duy trì, có nhiều đổi mới với việc tổ chức tiếp xúc sâu, sát đến cơ sở, đa dạng hình thức, đối tượng, địa bàn, lĩnh vực tiếp xúc.

Đoàn ĐBQH Thanh Hóa: Bám sát hơi thở của cuộc sống - 4
Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh vinh dự có ông Uông Chu Lưu tiếp tục được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Đào Ngọc Dung được phê chuẩn làm thành viên Chính phủ và giữ chức Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

Đây là niềm vinh dự không chỉ đối với mỗi đại biểu mà còn là niềm tự hào của tỉnh Thanh Hóa, tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa và mỗi ĐBQH đóng góp công sức, trí tuệ vào sự phát triển của Quốc hội và sự phát triển của đất nước.

Theo ông Đỗ Trọng Hưng, trong suốt nhiệm kỳ khóa XIV vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa và các đại biểu trong Đoàn đã đoàn kết nhất trí, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát với thực tiễn, gắn bó mật thiết với cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, mang tiếng nói của cử tri và nhân dân đến với Quốc hội…

Nhiều hoạt động an sinh xã hội được triển khai

Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, vào các ngày lễ, tết, ngày thương binh - liệt sĩ, lãnh đạo Đoàn ĐBQH, các ĐBQH đã tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, động viên, tặng hàng trăm suất quà các gia đình chính sách, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang…; trao hàng tỷ đồng hỗ trợ đồng bào các huyện bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, Quỹ Bảo trợ trẻ em; xây nhà tình nghĩa và hỗ trợ 270 bò giống cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... góp phần đồng hành người dân vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng tổ chức 1 cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề về thực hiện chính sách người có công trên địa bàn tỉnh để Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng xem xét giải quyết các trường hợp khó khăn, tồn đọng trong thực hiện chính sách người có công.

Tại đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đề nghị các cơ quan hữu quan trả lời dứt điểm các kiến nghị liên quan của cử tri.

Đoàn ĐBQH Thanh Hóa: Bám sát hơi thở của cuộc sống - 5

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tặng quà lưu niệm đến lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Ông Đỗ Trọng Hưng chia sẻ: Bên cạnh việc nỗ lực hoàn thành trách nhiệm ĐBQH, nhiều đại biểu đã tích cực tham gia các hoạt động vì an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng, góp phần hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và phong trào "cả nước chung tay vì người nghèo  - không để ai bỏ lại phía sau".

Nhân dịp này, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa và ông Uông Chu Lưu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội đã trao tặng Kỷ niệm chương hoạt động Quốc hội cho các vị ĐBQH.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng tặng quà lưu niệm cho tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ: "Đoàn ĐBQH Thanh Hóa giữ được truyền thống của quê hương Thanh Hóa, trong hoạt động các đại biểu luôn đoàn kết, làm sao gắn bó quê hương Thanh Hóa với các Bộ, ngành Trung ương. Trong kỳ Quốc hội khóa XV và các khóa tiếp theo, chúng ta tiếp tục thể hiện bản lĩnh của ĐBQH, nhưng cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm với quê hương. Đồng chí Đào Ngọc Dung không phải là quê hương Thanh Hóa nhưng với cương vị Bộ trưởng, ứng cử ĐBQH tại Thanh Hóa, anh Dung xem Thanh Hóa như là quê hương thứ 2 và có những đóng góp hết sức quan trọng".

Đoàn ĐBQH Thanh Hóa: Bám sát hơi thở của cuộc sống - 6
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại hội nghị.

Trước khi rời nghị trường Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi nêu 3 vấn đề: Thứ nhất là đề nghị Quốc hội, Chính phủ cố gắng xây dựng một sàn an sinh xã hội, làm sao không ai bị bỏ lại phía sau. Thứ 2 là cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, làm sao cho tất cả người dân của chúng ta khi về hưu đều được hưởng chính sách an sinh xã hội. Thứ 3 là cải cách chính sách tiền lương, làm sao tiền lương sẽ trở thành động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động…