Điều tra án tham nhũng: Đến cơ quan giám định cũng “né” trách nhiệm
(Dân trí) - Vấn đề này được mổ xẻ, phân tích tại cuộc tọa đàm việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức do UB Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 21/2.
2 Bộ từ chối giám định 1 vụ án
Thượng tá Lê Đức Trường – đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an nêu vấn đề, do yêu cầu cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) đang tiến hành nên phải sửa luật Giám định tư pháp hiện hành.
Theo ông Trường, kết luận giám định là nguồn chứng cứ rất quan trọng, nhiều trường hợp không thể thiếu để C03 làm căn cứ đánh giá, kết luận điều tra vụ án. Thượng tá Trường phân tích, tội phạm tham nhũng, kinh tế rất khó có chứng cứ trực tiếp, quả tang để chứng minh tội phạm, thậm chí chỉ lời khai cũng chưa thể là chứng cứ kết tội. Vậy nên những trường hợp này, kết luận giám định về thiệt hại, về nghi vấn trục lợi…. chính là những chứng cứ tốt nhất để chứng minh tội phạm.
Thượng tá Trường cho biết, thời gian qua, hầu hết các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đều phải sử dụng triệt để quy định về những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định theo Điều 4 Thông tư liên tịch số 1 năm 2017 của các cơ quan tư pháp Trung ương. Các nội dung cần giám định là về tiền lãi suất vay ngân hàng phát sinh khi các đối tượng vi phạm quy định trong sử dụng vốn nhà nước dẫn tới dự án bị chậm tiến độ, kéo dài, gây thiệt hại.
Thượng tá Trường cho biết, Thông tư liên tịch này đang được sử dụng để khỏa lấp những thiếu sót, khiếm khuyết mà luật Giám định tư pháp hiện hành chưa có quy định.
Các ví dụ được lãnh đạo Cục C03 đưa ra hết sức phong phú cho thấy nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ trong hoạt động giám định tư pháp.
Theo ông Trường, có nhiều vụ việc nội dung giám định liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức, rất phức tạp nên giám định viên từng mảng phải có cơ chế để thường xuyên trao đổi, phối hợp với nhau thực hiện nội dung giám định mới có thể kết luận giám định được chính xác, khách quan.
Vụ cố ý làm trái, tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) cần sự tham gia của cả giám định viên Bộ KH-ĐT và Bộ Xây dựng khi giám định thiệt hại của việc thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Từ đó, các cơ quan xác định được ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch PVN đã chỉ đạo việc ký hợp đồng trái quy định của pháp luật, tạm ứng trái quy định số tiền hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng.
Giám định viên xây dựng kết luận được các nhà thầu sử dụng sai mục đích số tiền hơn 1.100 tỷ đồng được tạm ứng. Giám định viên tài chính, từ đó, tính được số tiền gây thiệt hại do hành vi của các đối tượng là gần 120 tỷ đồng, là tiền lãi số tiền tạm ứng bị sử dụng sai mục đích.
Thượng tá Lê Đức Trường cũng than, nhiều trường hợp các cơ quan có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giám định khi vụ án thuộc lĩnh vực quản lý chuyên môn của cơ quan đó. Có vụ việc khi C03 trưng cầu giám định, cả Bộ Tài chính, Bộ GTVT đều từ chối giám định dù vấn đề là về quản lý giá cước vận tải. Sau đó, phải có sức ép từ cơ quan tư pháp Trung ương, Bộ trưởng GTVT mới chấp nhận tái cử giám định việc thực hiện yêu cầu của cơ quan cảnh sát điều tra. Việc này khiến cho vụ án “tắc” 21 tháng mới có được kết luận giám định.
Khoảng trống pháp lý lớn
Chia sẻ vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát án kinh tế (V03), VKSND tối cao Đào Thịnh Cường trình bày nhiều khó khăn, vướng mắc của hoạt động giám định tư pháp qua các vụ án kinh tế, tham nhũng đã điều tra thời gian qua.
Ông Cường khái quát, hoạt động giám định tư pháp trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thường bị kéo dài dẫn đến phải tạm đình chỉ giải quyết để chờ kết quả giám định. Một số trường hợp tổ chức, cơ quan được trưng cầu giám định từ chối giám định không có căn cứ, nhất là với các vụ án phức tạp, thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành chuyên sâu về nghiệp vụ.
Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án kinh tế, ông Cường nhận xét, các khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án kinh tế, nhất là các vụ án tham nhũng thường là do công tác trưng cầu giám định.
Từ đầu năm 2013 đến hết 2018, Vụ của ông Cường có tổng số 46 vụ án trưng cầu giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự, trong đó có 8 vụ có thời gian giám định bị kéo dài.
Trong thời gian chờ kết quả giám định, các cơ quan tiến hành tố tụng không đánh giá, kết luận được trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong vụ án để xử lý theo quy định.
Các vụ án có thời gian giám định bị kéo dài, theo đó, đều phải gia hạn điều tra hoặc tạm đình chỉ, dẫn đến việc giải quyết vụ án cũng bị kéo dài, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật.
Trao đổi thêm với những vấn đề đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật nêu ra, Giám định viên tư pháp Bộ Tài chính Phạm Đức Hưng cũng trình bày nhiều nỗi khó trên cương vị của mình.
Ông Hưng là người tham gia tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án về dự án nhiệt điện Thái Bình 2.
Ông Hưng cho biết, trong phiên xử, từ công tố viên tới các luật sư đều tập trung “chọc” ngay vào vấn đề thiệt hại gây ra của dự án.
Tuy nhiên, thực tế quy định, ba-rem để đánh giá thiệt hại nói chung, thiệt hại tài chính nói riêng hiện còn khoảng trống pháp lý rất lớn, giám định khó mà làm một cách rõ ràng, thuyết phục.
Ông phân tích, áp dụng Thông tư liên tịch số 01 của các cơ quan tư pháp Trung ương như đại diện C03 Bộ Công an hay V03 VKSND Tối cao đề cập thì nguyên tắc xác định thiệt hại là lấy tổng mức đầu tư dự án trừ đi chi phí hợp lý, hợp lệ để tính thiệt hại. Nhưng thực tế, nhiều dự án không tính được đơn giản như vậy khi tổng mức đầu tư không rõ ràng mà công trình thì thường chậm tiến độ, chưa đưa vào khai thác để mà tính chi phí hợp lý.
“Điểm khác, việc tính thiệt hại dựa trên lãi suất do vốn bị chiếm dụng, tồn đọng thì cũng khó xác đáng khi chỉ việc áp dụng tính lãi có kỳ hạn hay không có kỳ hạn cũng là vấn đề gây tranh cãi” – ông Hưng nói.
Thái Anh