1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kiên Giang:

Dân Thổ Châu, gió Nam nổi lên lại dỡ nhà chạy về hướng Bắc

(Dân trí) - Cứ đến tháng 4 gió Nam thổi, hàng trăm người dân ở ấp Bãi Ngự (xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) lại lật đật dọn nhà cửa, hàng hóa… sang bãi Dong tránh gió bão. Định cư ở đây cho đến tháng 8, khi gió Bắc nổi lên, người dân lại dọn về bãi Ngự...

Xã Thổ Châu thuộc huyện Phú Quốc là xã đảo xa nhất của tỉnh Kiên Giang, cách đất liền khoảng 240 km và cách huyện đảo Phú Quốc 120km. Hiện nay trên xã đảo có 544 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu tập trung sinh sống ở cảng cá thuộc ấp Bãi Ngự. Người dân trên đảo chủ yếu sống bằng nghề biển, một số hộ dân khác sống bằng nghề mua bán nhưng chủ yếu phục vụ cho các tàu cá.

Một vài ngày tới, cảng cá bãi Ngự sẽ vắng tanh vì tất cả tàu, ghe và khoảng 40% dân cư chuyển qua bãi Dong tránh gió và định cư sinh sống đến tháng 8 âm lịch.
Một vài ngày tới, cảng cá bãi Ngự sẽ vắng tanh vì tất cả tàu, ghe và khoảng 40% dân cư chuyển qua bãi Dong tránh gió và định cư sinh sống đến tháng 8 âm lịch.

Những năm gần đây, đời sống, kinh tế người dân xã Thổ Châu có bước phát triển, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là các dịch vụ công ích (trường học, y tế…), việc ra vào đất liền còn nhiều khó khăn. Hiện nay 5 ngày mới có 1 chuyến tàu từ Phú Quốc ra Thổ Châu. Ngoài ra, hàng năm cứ vào tháng 4, gió Nam bắt đầu nổi lên kèm giông bão. Hàng trăm người dân ấp bãi Ngự lại phải chuyển sang bãi Dong định cư sinh sống cho đến hết tháng 8.

Tranh thủ lúc vắng khách, vợ chồng anh Lê Văn Lâm (SN 1977) – buôn bán trái cây tại cảng cá tất bật dọn dẹp vật dụng trong nhà, chuẩn bị di cư sang bãi Dong. Anh Lâm cho biết: “Năm nay gió Nam về trễ, mọi năm cứ tháng 4 là gió thổi ào ào rồi, sau đó là gió mạnh, kèm bão nên hầu hết người dân đang sinh sống ở khu cảng cá này đều phải dọn nhà chuyển qua bãi Dong tránh bão, sinh sống. Mãi đến tháng 8, gió Bắc nổi lên người dân tiếp tục dở nhà về lại bãi Ngự sinh sống”.

Gia đình anh Lâm cho biết, việc dọn nhà từ bãi Ngự sang bãi Dong làm việc kinh doanh trái cây của anh giảm sút đến 40%
Gia đình anh Lâm cho biết, việc dọn nhà từ bãi Ngự sang bãi Dong làm việc kinh doanh trái cây của anh giảm sút đến 40%

Theo anh Lâm cho biết, việc di dời về bãi Dong sinh sống, ngoài việc vất vả trong việc dọn nhà, tốn chi phí dựng nhà mới thì việc mua bán trái cây của gia đình anh sụt giảm khoảng 40%. “Cơ quan nhà nước và các trường học đều tập trung ở bãi Ngự nên năm nào gió Nam về sớm người dân chuyển về bãi Dong tránh gió, các cháu nhỏ cũng đi theo nên việc đi học của các cháu cũng gặp trở ngại”.

Anh Lâm cho biết đây cũng là bữa cơm cuối cùng của gia đình anh trong căn nhà ở bãi Ngự
Anh Lâm cho biết đây cũng là bữa cơm cuối cùng của gia đình anh trong căn nhà ở bãi Ngự

Tương tự như cảnh “sống theo chiều gió” của anh Lâm, anh Nguyễn Thành Nhân – buôn bán ngư cụ, vật dụng sinh hoạt cho biết: “Bà con ở đây một năm dọn nhà 2 lần, dọn nhiều lần rồi thành quen. Thật ra, một số hộ buôn bán như mình thì có nhà kiên cố, có thể ở lại không sợ gió bão. Nhưng tất cả tàu cá, ngư phủ đều di dời về bãi Dong nên mình cũng dọn theo để buôn bán ngư cụ, vật dụng sinh hoạt cho các ghe tàu”.

Anh Nhân cho biết, căn nhà của anh có thể chịu được gió bão nhưng vì việc kinh doanh của gia đình phụ thuộc vào các tàu cá nên anh cũng đang dọn nhà chuyển qua bãi Dong
Anh Nhân cho biết, căn nhà của anh có thể chịu được gió bão nhưng vì việc kinh doanh của gia đình phụ thuộc vào các tàu cá nên anh cũng đang dọn nhà chuyển qua bãi Dong

Anh Võ Trung Hậu – ngư phủ ở ấp Bãi Ngự cho biết: "Gió mạnh lắm, không thể neo đậu tàu ở cảng này được nên gió Nam đến là tất cả ghe tàu đều di chuyển về bãi Dong và đánh bắt cá ở vùng biển này. Đến khoảng tháng 8, 9, gió Bắc nổi lên, ghe tàu chúng tôi lại chuyển về bãi Ngự, về đây việc đanh bắt thủy sản tốt hơn, thu nhập ngư phủ cũng tăng lên. Nhờ vậy, ngư phủ mới có tiền về quê ăn Tết”.

Dân Thổ Châu sống vất vả "theo chiều gió"

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Văn Dừng – Chủ tịch UBND xã Thổ Châu - cho biết: “Do thời tiết bất lợi nên mỗi năm người dân trên đảo phải chuyển nơi ở hai lần, việc di chuyển này vừa gây tốn kém khó khăn cho người dân, chính quyền địa phương cũng gặp khó trong công tác quản lý. Riêng mùa gió Nam năm nay đến muộn hơn mọi năm nhưng vừa xong ngày bầu cử (Thổ Châu bầu cử sớm vào ngày 19/5 - PV) vừa rồi gió Nam bắt đầu thổi mạnh nên hiện tại đã có khoảng 30% dân cư sống trên đảo dọn về bãi Dong tránh gió. Năm nay, tuyến đường bê tông từ bãi Ngự sang bãi Dong địa phương vừa làm xong, nhờ vậy việc đi lại của người dân, cán bộ được thuận lợi hơn trước".

Nguyễn Hành