Cửu vạn, ve chai “chạy đua” với Tết
(Dân trí) - Như đã thành thông lệ, những ngày nửa cuối tháng Chạp âm lịch là dịp “chạy Tết” của những người hành nghề cửu vạn và buôn bán phế liệu. Với họ vài ngày cận Tết có khi kiếm bằng cả mấy tháng ngày thường.
Cửu vạn bán sức kiếm Tết
Điểm tập kết của những người làm nghề cửu vạn ở TP Hà Tĩnh là tại các ngã tư của những tuyến đường trung tâm - nơi có nhiều phuơng tiện và người dân đi lại như: Nguyễn Huy Tự, Xuân Diệu, Trần Phú, Nguyễn Du...
Không chỉ cánh đàn ông mà cánh phu nữ ở đây cũng chiếm một lực luợng đáng kể. Từ 5h sáng, trên những chiếc xe đạp đã cũ, hàng chục phụ nữ đã “nai nịt” những xe cút kít, cuốc, xẻng… để sẵn sàng cho một ngày “chạy tết”.
Hàng chục phụ nữ sẵn sàng làm những công việc nặng nhọc không kém gì cánh đàn ông
Phần lớn những phụ nữ này đều là người dân đến từ các xóm Tân Quý, Vĩnh Phú, Nam Phong, Trung Châu, Liên Xuân thuộc xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà). Đây là vùng nổi tiếng với nghề làm muối. Nhưng từ nhiều năm nay, muối liên tục rớt giá. Giá muối bán ra chỉ bằng một nửa kinh phí đầu vào khiến những diêm dân này phải dạt lên thành phố với hy vọng kiếm đuợc chút tiền mua sắm tết. Những phụ nữ này không quản khó khăn, sẵn sàng làm các công việc như dọn dẹp nhà cửa đến những công việc nặng nhọc của cánh đàn ông như khuân đá, phụ hồ, chở đất đá… Chính vì vậy, người ta thường gán cho họ cái nghề hết sức giản dị đó là nghề là “thợ đụng”, tức là đụng đâu làm đó, việc gì cũng làm được.
Họ thường làm theo tốp chừng 5 đến 7 người và chia đều số tiền kiếm đựợc với nhau, dù số tiền kiếm được ít hay nhiều. Chị Lục - người có thâm niên gần chục năm làm "phu nữ" than phiền: "Ai chẳng muốn có thêm ít đồng mà sắm tết. Thế nhưng bám trụ từ sáng đến trưa, tốp "phu nữ" chúng tôi vẫn chưa có “mối” để đi làm. Không biết Tết này gia đình tôi sẽ ăn Tết kiểu gì nữa".
Những chuyến xe ngựa chở hàng như thế này là công cụ kiếm sống ngày Tết của nhiều phụ nữ
Dọn dẹp nhà cửa là một trong những công việc phổ biến của cánh "phu nữ" vào dịp giáp Tết. Chị Đào - một người dân xóm Trung Châu cho biết: “28, 29 Tết, người ta chạy ra đây thuê nhà tui (chúng tôi – PV) về dọn dẹp nhà cửa cho họ, chứ ở nhà đã có ai dọn dẹp chi mô. Năm nào cũng vậy, xong việc trên thành phố là tui vội quay về nhà để sửa soạn Tết cho gia đình. Thế nhưng, đến quá giao thừa mọi công việc mới tạm yên, không thì quên cả đón giao thừa luôn”. Nhiều "phu nữ" tâm sự rằng, đó là may mắn với họ lắm rồi, bởi ít ra họ sẽ có thêm chai dầu hay lít nuớc mắm để “ăn” Tết. “Nhiều gia đình chủ tốt lắm, họ còn cho vài ba cân nếp, hay quần áo mang về nữa. Ngày Tết thấy con có quần áo mới để ra đường, khỏi phải mua là vui lắm rồi”, một nguời phụ nữ bên cạnh vui vẻ góp chuyện.
Nhiều lao động nghèo cũng tất bật với công việc để kiếm chút tiền mua sắm Tết
Thoáng thấy một người phụ nữ đi xe máy rà rà gần đó, họ vội chạy ùa ra. Sau một lúc thoả thuận giá cả, các chị vội vàng đạp xe theo sau. Quá 2h chiều, họ mới bắt đầu kiếm được đồng tiền đầu tiên của một ngày.
Ve chai hối hả vào mùa
Cuối năm các gia đình đều lo dọn dẹp nhà cửa, vứt đồ cũ, mua sắm đồ mới. Đây chính là dịp làm ăn rất tốt của những người buôn bán phế liệu. Chị Nguyễn Thị Mai, nhà ở Xóm Chài (quận Cái Răng, Cần Thơ) vui vẻ cho biết: “Cuối năm ai cũng dọn nhà nên những món đồ cũ, không dùng nữa họ bán đi. Bởi thế mấy ngày này dân mua bán ve chai tụi tui như chạy đua với thời gian, hễ đầy xe là đạp nhanh về vựa phế liệu cân rồi đi mua tiếp”.
Bác Nguyễn Văn Thành (65 tuổi) đang cân phế liệu cho một chủ nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh cho biết: “Ngày bình thường mỗi ngày chỉ mua được 50 - 60kg phế liệu là mừng lắm rồi, còn bây giờ có ngày mua đến 200 - 300 kg. Dù có vất vả hơn, mệt hơn những vẫn cố gắng để kiếm chút tiền lì xì cho con cháu nhân dịp đầu năm mới”.
Chị Lê Thị Duyên - chủ một tiệm thu mua phế liệu trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) - cho biết: “Anh chị em hành nghề ve chai chỉ trông chờ vào mấy ngày cận Tết như thế này, bởi vậy từ sáng sớm mình đã mở cửa và đến tận 8 giờ tối mới dám nghỉ. Với anh chị em mua phế liệu, một gánh ve chai có khi là bữa cơm ngày Tết”.
Bác Thành mong muốn mua được nhiều hàng để có chút tiền lì xì cho con cháu nhân dịp đầu năm mới
Tất bật ve chai.
Phượng Vũ - Hà Phương - Nguyễn Hành