1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cuối năm BIDV bán cổ phần ra công chúng

(Dân trí) - Hôm qua 17/4, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chính thức gửi hồ sơ mời thầu cho các đơn vị tư vấn cổ phần hoá. Theo đó, hồ sơ mời thầu sẽ được chuyển đến 5 nhà thầu quốc tế là: Goldman Sachs, JP Morgan, Merrill Luynh, Morgan Stanley và UBS.

Đây chính là điểm mấu chốt trong những bước đi của kế hoạch cổ phần hoá BIDV do Chính phủ đã phê duyệt. Theo lộ trình, BIDV cũng sẽ bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào quý IV/2007 tới. Ông Trần Bắc Hà, Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có cuộc trao đổi ngắn với báo giới xung quanh vấn đề này.

Việc phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng của BIDV được tiến hành như thế nào, thưa ông?

Theo kế hoạch, phương án chi tiết về cổ phần hoá của chúng tôi sẽ được đệ trình lên Chính phủ vào cuối tháng 9 và cùng với thời điểm này, tư vấn sẽ hỗ trợ chúng tôi lựa chọn các cổ đông chiến lược nước ngoài.

Chúng tôi kết hợp cả hai phương thức bán: bán trên cơ sở đàm phán, thoả thuận với các cổ đông chiến lược và tổ chức bán đấu giá công khai tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Với đối tác chiến lược của BIDV, mức giá bán cổ phần lần đầu được xác định như thế nào để đảm bảm quyền lợi của cả hai phía?

Chúng tôi sẽ tiến hành bán cổ phần cho cổ đông chiến lược dựa trên nguyên tắc đàm phán, thoả thuận nhưng chắc chắn giá sẽ không thấp hơn mức giá bán bình quân lần đầu ra công chúng.

Tôi cũng xin bổ sung tỉ lệ cổ phiếu bán ra lần đầu khi cổ phần hoá theo quy định hiện này là 30% nhưng BIDV đang đề xuất mức bán ra là 20% và nhà đầu tư chiến lược có thể không được mua với giá ưu đãi.

Vậy thì tỉ lệ cổ phiếu mà cán bộ, công nhân viên của BIDV sẽ được mua sau khi BIDV cổ phần hoá là bao nhiêu?

Cứ theo như quy định hiện nay thì sau khi cổ phần hoá, chúng tôi chỉ làm chủ "giả vờ". Bởi việc bán cổ phần lần đầu cho người lao động - cán bộ, công nhân viên của BIDV theo quy định 187 tức là tính theo năm công tác và theo lương để quyết định người lao động đó được mua bao nhiêu cổ phiếu, thì nhiều người lao động có thể sẽ thiệt thòi.

Vì theo cách tính này, số lượng cổ phiếu cán bộ, công nhân viên chức BIDV được mua có thể không vượt quá 1% tổng lượng cổ phần phát hành ra công chúng. Theo tôi, để doanh nghiệp phát triển và người lao động gắn bó bền chặt với doanh nghiệp thì tỉ lệ sở hữu cổ phiếu của cán bộ nhân viên các đơn vị cổ phần hoá nói chung và BIDV nói riêng phải được 10%.

Đến khi nào thì cổ phiếu của BIDV sẽ chính thức niêm yết trên sàn giao dịch, thưa ông?

Theo dự kiến, sau 6 tháng bán cổ phần lần đầu ra công chúng, BIDV sẽ tiến hành làm thủ tục để niêm yết chính thức trên Trung tâm giao dịch Chứng khoán TPHCM. Sau đó sẽ là những bước đi tiếp theo để huy động vốn trên kênh giao dịch chứng khoán tại các thị trường khu vực và thế giới.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hiền (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm