1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Cũng có nhiều quan chức muốn khoán xe công, nhưng..."

(Dân trí) - Ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết hiện một quan chức Quốc hội đang sử dụng hình thức khoán chi phí này và bản thân ông cũng đang sắp xếp công việc để áp dụng phương thức này.

“Anh Tiên (ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội – PV) đang sử dụng hình thức khoán xe công. Cá nhân tôi cũng đang thu xếp, khắc phục một số khó khăn cá nhân để áp dụng phương thức này.

Về tổng thể, Quyết định của Chính phủ cho phép các chức danh từ tương đương thứ trưởng trở xuống (ở cấp tỉnh là từ Phó chủ tịch HĐND và UBND trở xuống) được khoán xe công là rất đúng. Không nói đâu xa, ví dụ như các đại biểu quốc hội chuyên trách cùng ở một khu nhà, cùng làm việc ở các cơ quan quốc hội mà mỗi sáng mỗi người một xe thì quả thực cũng là rất không cần thiết”.

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội

Theo ông, vì sao một quy định được nhìn nhận là đúng đắn, hợp lòng dân mà đến 7 năm rồi, rất ít quan chức áp dụng?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Có thể một số cán bộ thuộc diện kể trên tính toán thì cho thấy, mức khoán chi phí chưa đủ để đáp ứng nhu cầu có ô tô đi lại, từ đó, nhiều người vẫn rút ra kết luận: “Thôi nhà nước lo cho vẫn là tiện nhất”. Thứ nữa, theo tôi có thể công tác tuyên truyền chưa thật chú ý đến vấn đề này do đó chưa tạo được phong trào rộng rãi. Mặt khác, đâu đó cũng có tâm lý ngại trong khi với một số người, nếu sử dụng xe công thì có thể tranh thủ chuyện này chuyện khác.

Khi tôi đề cập đến chuyện sử dụng khoán xe công, cũng có nhiều người gạt đi nói với tôi là: “Thôi, bao nhiêu người cố gắng công tác để đến lúc có xe đưa xe đón, nay ông có rồi thì lại không dùng …”.

Nhiều người cho rằng, quy định này sở dĩ chưa trở thành phổ quát trong giới quan chức cũng một phần vì tính cách người Việt là “nhìn trước nhìn sau”, cấp dưới nhìn lên mà thấy cấp trên vẫn sử dụng xe công thì cũng không dám “ho he” làm khác?

Đó làm tâm lý ngại, ngại với đồng cấp, với cấp trên cấp dưới. Nhưng theo tôi, lý do này không phải là chủ yếu. Cái quan trọng là cơ chế chính sách hài hòa.

Vậy mức khoán chi phí xe công đối với một Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội hay một thứ trưởng hiện nay là bao nhiêu thưa ông? Có nên có định chế nào ràng buộc mạnh hơn, hơn là khuyến khích như hiện nay?

Một cán bộ cấp Thứ trưởng hoặc Phó chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội hiện nay đang áp dụng mức khoán khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Tôi biết có nhiều cán bộ cũng muốn sử dụng phương án khoán chi phí này. Ngay cá nhân tôi từng thử nghiệm nhưng áp dụng hình thức taxi là phi kinh tế, tốn kém hơn nhiều và có những phiền phức nhất định. Nếu sử dụng phương án đi xe máy hoặc phương tiện khác thì không phải không có ảnh hưởng tới công việc: Không an toàn, không khoa học và khó đảm bảo sức khỏe.

“Mức lương một Phó Chủ nhiệm Ủy ban tại Quốc hội hoặc thứ trưởng hiện nay là khoảng 10 triệu, thì để có được một chiếc ô tô riêng là cả một vấn đề lớn. Có người chờ thời điểm nhà nước thanh lý xe công để mua nhưng cũng vì nhiều lý do cũng khó tiếp cận” - Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Cơ quan ban hành chính sách cũng phải tính toán đa chiều, ngoài chuyện chi phí kinh tế, ví dụ một đồng chí thứ trưởng đến chủ trì một cuộc họp mà nếu tiêu tốn quá nhiều năng lượng do lo lắng trong quá trình di chuyển thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Do đó, cơ quan ban hành chính sách cần tiếp tục nghiên cứu, phải đảm bảo làm sao vừa đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm, minh bạch nhưng cũng tạo điều kiện để cán bộ hoàn thành tốt chức trách của mình.

Định hướng chung là cần phải khuyến khích, mục tiêu lớn nhất là tiết kiệm, có lợi cho cái chung thì chắc chắn được ủng hộ.

Trong dịp phỏng vấn lãnh đạo một UBND tỉnh phía Bắc “bỏ" xe công, sử dụng xe máy đi làm, chúng tôi nhận được chia sẻ rất chân tình: Nhiều cán bộ dưới quyền của ông cũng muốn khoán xe công nhưng băn khoăn lắm vì sợ mất xe công là mất uy. Và bản thân ông, đi làm từ nhà thì bằng xe máy còn khi công cán các địa phương thì vẫn phải nghiêm chỉnh xe cộ…

Như tôi đã nói, cơ quan ban hành chính sách cũng phải tính toán đa chiều. Đảm bảo điều kiện làm việc cũng là để phát huy trí tuệ, sở trường, năng lực cán bộ.

Tôi cũng biết một số cán bộ lo ngại: sẽ mất uy nếu không đi làm bằng xe công, nhưng trong công việc, dư luận vẫn luôn coi trọng trí tuệ, khả năng xử lý công việc. Nếu cán bộ giải quyết tốt, thấu tình đạt lý thì tự nhiên cái “uy” sẽ đến.

Phương án Đà Nẵng đang áp dụng: thành lập đội xe công vụ, tập trung toàn bộ xe công vụ mang biển số xanh về một đầu mối, Sở nào cần đi đâu, chỉ cần ới một tiếng, không quá 5 phút là có xe phục vụ, theo ông có phải là mô hình thích hợp để áp dụng tại các địa phương?

Theo tôi, mô hình này cần nhân rộng tại các địa phương tuy nhiên, việc áp dụng tại Hà Nội thì cần thêm thời gian cân nhắc. Lượng cán bộ thuộc diện được sử dụng xe công tại địa phương không nhiều. Trong khi đó, tại Hà Nội lượng cán bộ thuộc diện như thế này phong phú hơn rất nhiều, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Cũng phải tiếp cận vấn đề này ở nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ là chuyện chi phí tiền bạc. Do mức khoán hiện nay chưa đủ để đáp ứng yêu cầu đi lại tương ứng bằng ô tô nên thực tế, một số cán bộ còn băn khoăn. Trong khi đó, phương án xe máy cũng có yếu tố kém an toàn và khó đảm bảo sức khỏe nếu họp hành, công tác nhiều.

Nhiều người nói với tôi về mô hình của bên Lào: đến cấp bậc nào đó họ trang bị cho cán bộ một cái ô tô. Tùy theo thời hạn sử dụng, nếu hết khấu hao rồi thì nhà nước chuyển lại cho anh, nếu chưa hết thì có thể thanh lý hoặc chuyển đổi. Tuy nhiên, mỗi một quốc gia có một đặc thù khác nhau và phương án này cũng cần phải cân nhắc.

Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi trao đổi này.

P.P.H