1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cục Kiểm lâm: Không có chuyện tịch thu hổ ở Bình Dương

Thông tin về việc tịch thu 41 con hổ nuôi nhốt tại Bình Dương đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Chiều qua 19/3, ông Hà Công Tuấn - Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có cuộc tiếp xúc với báo chí để thông tin thêm về vấn đề này.

Không xử phạt gì đối với những người nuôi nhốt hổ

Ông Hà Công Tuấn nói, Nhà nước luôn khuyến khích, bảo hộ, hỗ trợ quyền và lợi ích hợp pháp của người gây nuôi hổ, kể cả các động vật hoang dã khác. Việc gây nuôi phải đảm bảo các điều kiện đã được pháp luật quy định: con bố mẹ có nguồn gốc, có chuồng đạt tiêu chuẩn và người nuôi nhốt phải đăng ký với các cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, mua bán, nuôi nhốt động vật nguy cấp quý hiếm thuộc nhóm 1b trong đó có hổ là bất hợp pháp và số hổ nuôi nhốt tại Bình Dương không có nguồn gốc rõ ràng, không có cơ sở hợp pháp.

Cục Kiểm lâm: Không có chuyện tịch thu hổ ở Bình Dương - 1
  

Ông Hà Công Tuấn.

Đến thời điểm này, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kiểm lâm chưa có phương án và quyết định chính thức về việc giải quyết những con hổ nuôi nhốt trái phép tại Bình Dương. Về việc xử lý số hổ nuôi nhốt trái phép chậm và kéo dài, cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Cục Kiểm lâm, sẽ phải chịu trách nhiệm.

Theo ông Hà Công Tuấn, cuối tuần này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ họp bàn với thủ trưởng các cơ quan có liên quan để bàn biện pháp xử lý số hổ nuôi nhốt trái phép.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã giao cho Cục Kiểm lâm nghiên cứu đề xuất các phương án xử lý cụ thể. Theo pháp luật Việt Nam và quốc tế, chúng ta được lựa chọn 1 trong 3 hình thức xử lý sau: trả lại tự nhiên nếu đảm bảo chắc chắn về xuất xứ của con hổ; tịch thu và tiêu hủy toàn bộ; tiếp tục tổ chức nuôi nhốt.

Về nguyên tắc, đã thả về rừng thì hổ phải là thuần chủng. Cục Kiểm lâm không đồng ý với phương án thả hổ về rừng bởi những lẽ sau: chưa xác định được hổ có thuần chủng và cận huyết không; hổ không còn khả năng săn mồi; không xác định được xuất xứ của hổ, và nếu thả rồi thì làm sao để hổ sống và ngăn không cho hổ xung đột với con người.

Vì vậy, Cục Kiểm lâm đã đề xuất phương án tiếp tục cho nuôi nhốt. Tuy nhiên, trước khi cho nuôi nhốt, phải xử lý những con hổ có nguồn gốc bất hợp pháp, và tiến hành những thủ tục pháp lý nhất định để việc nuôi hổ trở thành hợp pháp.

Ông Tuấn nhấn mạnh: "Quan điểm của chúng tôi là không xử phạt cái gì cả đối với những người nuôi nhốt hổ trái phép tại Bình Dương".

Về việc giao cho ai tiếp tục nuôi số hổ này, Cục Kiểm lâm đưa ra 2 phương án. Cục sẽ làm việc với các hộ nuôi hổ, thống nhất với họ trên nguyên tắc họ tự nguyện lập các hồ sơ theo quy định của pháp luật; đảm bảo các điều kiện gây nuôi: không ảnh hưởng tới việc bảo tồn và phải gây nuôi hổ suốt đời, không được để hổ xổng chuồng gây mất an toàn và đảm bảo nguồn gien. Cục Kiểm lâm không khuyến khích việc mua bán thêm, gây nuôi để khuyến khích việc săn bắt ngoài tự nhiên.

"Tôi không nuôi hổ trái phép"

Ông Ngô Duy Tân - chủ đàn hổ 24 con ở Bình Dương- khẳng định như vậy với chúng tôi. Ông Tân nói: "Tôi nuôi đàn hổ này đã 6 năm nay, đợt sinh sản nào cũng mời Chi cục kiểm lâm địa phương xuống quay phim, chụp hình, làm khai sinh. Tôi cũng nhiều lần gửi báo cáo và gửi đơn xin hợp thức hóa việc nuôi sinh sản đàn hổ quý hiếm này. Vì thế những cáo buộc cho rằng tôi nuôi trái phép là không đúng.

Đối chiếu với các quy định quản lý của Nhà nước thì tôi không sai gì cả. Hiện nay chúng tôi được biết Chính phủ vẫn còn đang cân nhắc biện pháp tịch thu đàn hổ, tuy nhiên chúng tôi rất tin tưởng Chính phủ sẽ đưa ra quyết định chính xác nhằm bảo tồn đàn hổ hiệu quả".

Chúng tôi đã đến xem tận mắt đàn hổ chơi đùa, chạy nhảy, chụp mồi khỏe mạnh và linh hoạt. Khu vườn nuôi hổ sau nhà ông Tân được thiết kế khá khoa học. Những cánh cửa trong vườn liên thông nhau để bảo đảm việc cho ăn và ngủ của hổ.

Ông Nguyễn Văn Lãng, Chủ tịch Hội Cá cảnh TPHCM, người đã từng nuôi... sư tử nhập khẩu từ Anh ủng hộ việc nên tiếp tục để cho ông Tân nuôi hổ. Ông Lãng nói: "Tôi từ nhỏ đã nuôi nhiều loại thú rừng nên biết rõ khả năng săn mồi của các loại thú nuôi đã bị hạn chế rất nhiều. Thế nên việc thay đổi môi trường sinh sống hiện tại của động vật quý hiếm đang nuôi nhốt là rất hạ sách.

Ở các nước, người ta khuyến khích các hộ nuôi để bảo tồn động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Hàng loạt các văn bản của Nhà nước ta cũng cho phép cá nhân hoặc tổ chức được nuôi các loại động vật này. Muốn bảo tồn động vật quý hiếm thì phải có tâm huyết, những cá nhân bỏ tiền túi ra nuôi không có mục đích kinh doanh rõ ràng chăm sóc chúng tốt hơn và Nhà nước chỉ cần quản lý chặt những địa chỉ này để đảm bảo an toàn".

Theo Quang Duẩn - Quang Thuần
Báo Thanh niên