Cơ hội cho hoà bình trên Biển Đông: Điều kiện từ hành xử của Trung Quốc
(Dân trí) - Đại sứ Phạm Quang Vinh phân tích, Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) phải dựa trên Công ước luật Biển. Nếu Trung Quốc hành xử theo luật lệ, các nước khác cũng vậy, sẽ có nhiều cơ hội cho hoà bình…
Người từng có thời gian dài là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nêu quan điểm như vậy bên lề hội thảo quốc tế về Biển Đông, sau khi ông hoàn thành vai trò chủ trì phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Biển Đông trong bối cảnh nhiều biến động”.
“Thà không có COC còn hơn có một bộ quy tắc ứng xử tồi”
Phân tích về bối cảnh nhiều biến động hiện nay, nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề hành xử của các nước lớn trên Biển Đông, nhất là thái độ của Trung Quốc. Trong việc đối thoại để giải quyết những bất đồng, tranh chấp trên biển, các nước cần Trung Quốc tham gia, chia sẻ nỗ lực chung cho hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn ở vùng biển chiếm tới 40% lưu thông thương mại toàn cầu này. Điều kiện cơ bản nhất để đạt được mục tiêu đó là các nước đồng thuận trong việc nhấn mạnh ý nghĩa luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật Biển (UNCLOS) 1982, nguyên tắc hành xử là tôn trọng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ.
Thúc đẩy đối thoại nhiều chiều với Trung Quốc, theo đó, là khuyến cáo được nêu ra để tháo gỡ những mâu thuẫn, căng thẳng cho những hành động làm gia tăng phức tạp tại Biển Đông của nước này (xâm phạm các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia khác, tuyên bố chủ quyền trái luật pháp với đường lưỡi bò “liếm” trọn Biển Đông, đơn phương giải thích sai luật… để từng bước hiện thực hoá yêu sách của mình).
Việc thúc đẩy đối thoại trước hết là giữa ASEAN với Trung Quốc trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Nguyên tắc được nhấn mạnh trong quá trình đàm phán, xây dựng COC là phải dựa trên Công ước luật Biển.
Đại sứ Phạm Quang Vinh phân tích, luật pháp quốc tế và những nguyên tắc của ASEAN đã được các nước tôn trọng và ủng hộ thì Trung Quốc cũng tôn trọng và ủng hộ. Việc đạt được yêu cầu “căn cứ trên UNCLOS 1982” khi xây dựng Bộ quy tắc ứng xử là rất hệ trọng.
“Nếu Trung Quốc cũng dựa trên luật lệ, các nước khác cũng dựa trên luật lệ, sẽ có rất nhiều cơ hội cho hoà bình, hợp tác, thịnh vượng trong khu vực, và đặc biệt là xây dựng lòng tin - cái thiếu nhất hiện nay” - Đại sứ Phạm Quang Vinh nói.
Chung quan điểm này, chuẩn đô đốc Juergen Ehle, Cố vấn Quân sự Cấp cao về Hành động Đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EEAS) trong nội dung trình bày tại phiên thảo luận về chủ đề an ninh biển diễn ra sau đó nêu rõ, trong mối quan tâm, định hướng hành động hướng về Biển Đông, EU chủ trương nghiêm chỉnh thực hiện UNCLOS 1982 một cách thống nhất và phổ quát.
Chuẩn đô đốc của tổ chức Liên minh Châu Âu nhấn mạnh, UNCLOS là văn bản đặt ra cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và các quốc gia dù có biển hay không có biển, dù có nằm bên bờ Biển Đông hay không thì cũng phải tuân thủ.
“Chúng tôi ủng hộ việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử COC nhưng quan trọng, đó phải là kết quả của đàm phán thực chất trên nguyên tắc tuân thủ UNCLOS, đảm bảo hài hoà lợi ích của các quốc gia. Nếu được như như vậy thì tốt, còn không thì thà không có COC còn hơn là chỉ có một bộ quy tắc ứng xử tồi” - Chuẩn đô đốc Juergen Ehle nêu quan điểm.
Tàu hải quân EU tăng cường hiện diện ở Biển Đông
Trình bày sâu hơn về định hướng hợp tác trong lĩnh vực đảm bảo an ninh biển, Chuẩn đô đốc Juergen Ehle cho biết, khu vực Châu Á và Liên minh Châu Âu (EU) có sự kết nối mạnh trong những năm vừa qua. EU quan tâm tới sự ổn định của các quốc gia trong khu vực này ở Biển Đông vì đây là tuyến đường quan trọng và tự do hàng hải. Liên minh Châu Âu không muốn có hành động phi pháp nào liên quan tới khu vực lân cận, có khả năng đe doạ hoạt động giao thương với các vùng biển của EU.
Theo đó, từ tháng 5/2018, EU đã đưa ra chiến lược hợp tác an ninh mới với khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng như Ấn Độ Dương. Chủ đề của chiến lược này là tăng cường hợp tác an ninh biển với Châu Á, trong đó chú trọng Ấn Độ và các nước ASEAN.
Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao EU diễn ra năm ngoái cũng đi tới thống nhất quan điểm, EU không cho phép quốc gia nào phá hoại an ninh trên Biển Đông, gây ảnh hưởng tiêu cực với hoà bình, hợp tác tại khu vực.
Kế hoạch tương lai, theo Chuẩn đô đốc Juergen Ehle, tàu hải quân của các nước thành viên Liên minh Châu Âu sẽ ngày càng hiện diện nhiều hơn ở khu vực Biển Đông. EU cũng xây dựng chương trình với khái niệm mới “hiện diện hàng hải phối hợp” (CMP) tại khu vực. Theo đó, hải quân EU và các quốc gia thành viên dự kiến cung cấp tài chính, trang bị tàu, thiết bị để lần lượt tham gia tuần tiễu ở khu vực Biển Đông, giống như việc đã triển khai tại Châu Phi.
Cố vấn quân sự cao cấp của EEAS khẳng định: “EU là đối tác tin cậy với các quốc gia Châu Á vì có thể đoán định được. Chúng tôi không có chương trình nghị sự “giấu giếm” nào mà các hoạt động, chủ trương, chính sách đều được công khai, minh bạch với các nước. Chúng tôi không ủng hộ quan điểm kẻ mạnh là kẻ thắng. Các nước ASEAN có thể yên tâm hợp tác với EU về vấn đề an ninh biển nói chung và Biển Đông nói riêng”.