Có cán bộ nhìn ngoài tưởng “đỏ” nhưng thực chất còn “xanh”
Người làm công tác tổ chức cần có sự mẫn cảm, sự tỉnh táo, công tâm, khách quan để chọn đúng cán bộ, tránh “thấy đỏ tưởng là chín”.
Ở đại hội nào thì vấn đề nhân sự cũng rất quan trọng. Nhưng ở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, vấn đề nhân sự càng đặc biệt quan trọng vì đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới, thời cơ rất nhiều, rất lớn, nhưng khó khăn, thách thức cũng rất nặng nề. Do đó, hơn lúc nào hết cần phải chọn vào Ban Chấp hành Trung ương những người có đức, có tài ngang tầm nhiệm vụ, bên cạnh đó cần phải kiên quyết không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, những người thoái hóa biến chất vào bộ máy.
Có người nói rất hay nhưng làm rất dở
GS.TS Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổ phó thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh, công tác nhân sự vô cùng quan trọng vì vậy cần phải được tiến hành theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, công tâm khách quan. Người làm công tác tổ chức phải có con mắt tinh tường, đánh giá đúng người, đúng việc, đừng “thấy đỏ tưởng là chín”, đừng để cái mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nhấn mạnh.
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, ý nghĩa ở đây là bản chất và hiện tượng không thống nhất với nhau. Có người nói rất hay nhưng làm thì rất dở, thậm chí có người đạt đến trình độ “diễn mà như không diễn”. Cho nên người làm công tác tổ chức phải thực sự tinh tường, phân biệt cho được đâu là làm thật, đâu là nói thật, đâu là làm giả, đâu là nói giả. Trong đánh giá cán bộ cần nhìn vào hiệu quả công việc ở đơn vị mà cán bộ đó công tác, thấy nội bộ có đoàn kết, có phát triển không. Nếu chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài mà không nhìn thấy hết được bản chất bên trong thì sẽ không đánh giá đúng được.
“Có người nhìn bên ngoài tưởng là “đỏ” nhưng thực chất bên trong còn “xanh”, bởi cái sơ sài bên trong đã bị hào nhoáng bên ngoài che đậy, bóng bẩy nước sơn che đậy chất lượng gỗ. Đòi hỏi người làm công tác cán bộ phải nhìn đúng bản chất, có linh cảm, mẫn cảm đặc biệt và sự tỉnh táo đặc biệt, và trên hết là phải thực sự công tâm, khách quan để chọn cho đúng cán bộ”- ông Phùng Hữu Phú cho biết.
Trong thời gian qua, việc phải thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên do những sai phạm trong công tác cán bộ cho thấy nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi bị buông lỏng, thậm chí vi phạm, có biểu hiện dân chủ hình thức. Qua một số vụ việc như đưa tứ hệ vào bộ máy, nâng đỡ không trong sáng... cho thấy có khâu, có bước liên quan đến cán bộ tuy được tập thể cấp ủy, tổ chức đảng thông qua đúng quy trình nhưng thực chất tập thể đó đã bị vô hiệu hóa bởi các lợi ích cá nhân, dẫn đến bố trí sai cán bộ.
Cần nhận diện đúng việc cán bộ bị “rớt” tại Đại hội
Ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật thì đây là những hiện tượng không bình thường cần phải nghiêm túc đánh giá, sửa chữa để kiên quyết không lặp lại những khuyết điểm như vậy trong Đại hội XIII.
Việc lựa chọn nhân sự phải qua nhiều kênh khác nhau, không chỉ nghe ở cấp ủy mà cần sáng suốt lắng nghe từ nhiều kênh, nghe nhiều người, nhiều địa chỉ tin cậy. Ngoài ra, thêm một địa chỉ không thể không nhắc đến đó là cấp ủy, nhất là người đứng đầu cần lắng nghe ý kiến phản ánh từ nhân dân bởi đây là kênh thông tin quan trọng trong công tác lựa chọn, đánh giá cán bộ. Dựa vào dân để nhận diện, phát hiện cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, cán bộ đảng viên có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính. Qua phản ánh của nhân dân, cấp ủy cũng sẽ thêm thông tin để phân tích, giám sát, sàng lọc, để không lọt những người không đủ tiêu chuẩn vào bộ máy.
“Phải coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng nhưng đồng thời Đảng cũng phải coi trọng việc lấy ý kiến, trí tuệ của tập thể, trí tuệ của nhân dân, phát huy dân chủ. Người dân biết gì thì sẽ nói, họ góp ý cho Đảng, nếu chúng ta biết lắng nghe thì ít khi sai”- ông Phạm Thế Duyệt chia sẻ.
Để lựa chọn “đúng” và “trúng” nhân sự, ngoài những tiêu chuẩn của cán bộ cấp cao được đặt ra rất rõ ràng từ chính trị, bản lĩnh, có kinh nghiệm qua các vị trí công tác thì một yêu cầu tiên quyết đó là cán bộ phải có đức, có tài, được tín nhiệm. Tài năng ở đây không chỉ xem xét bằng chỉ số đơn thuần là bằng cấp mà phải đo bằng trình độ thực tế, năng lực thực tiễn trong giải quyết công việc, có hiệu quả hay không, có tác động tích cực đến đời sống nhân dân không và nhất là trong địa bàn, lĩnh vực cán bộ phụ trách hay không.
Để công tác cán bộ đi vào nề nếp, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài thì khâu quy hoạch cán bộ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, phải tính toán mọi mặt đức- tài, trình độ lý luận thực tiễn, có uy tín trước dân và khả năng tập hợp đoàn kết trong nội bộ lãnh đạo, trong cấp ủy. Nơi nào cán bộ, đảng viên đoàn kết, nhất trí, không khí làm việc tốt, kết quả làm việc của cấp ủy, chính quyền trong nhiệm kỳ đạt kết quả rõ rệt, ai cũng yên tâm thì những nơi đó việc quy hoạch cán bộ sẽ thuận lợi. Còn nơi nào nội bộ mất đoàn kết, tranh giành nhau thì chắc chắn sẽ không chọn được đúng cán bộ.
Nhắc lại Đại hội Đảng cơ sở ở một số địa phương khi Bí thư, Chủ tịch không trúng vào Ban Chấp hành Đảng bộ, ông Phạm Thế Duyệt cho rằng cần coi đây là hiện tượng bình thường, vì kết quả đó có thể đã phản ánh trung thực về mức độ tín nhiệm cán bộ cũng như tính chiến đấu trong tổ chức Đảng Trừ trường hợp nội bộ rối ren, mất đoàn kết nặng thì chắc chắn sẽ có chuyện, còn những nơi tập thể vì cái chung mà loại những người không đủ tiêu chuẩn ra thì cần phải phát huy chứ không nên coi đó là việc không hay, làm ảnh hưởng đến vấn đề này, vấn đề kia.