Bình Định:

Chuyện người phụ nữ vắt sữa mình cứu sống thương binh

(Dân trí) - Hơn 40 năm trôi qua, bà Đào vẫn nhớ như in hình ảnh người lính Sư đoàn 3 Sao Vàng bị thương, nằm kiệt sức dưới hầm công sự vì máu ra nhiều, miệng khô cứng, thều thào kêu nước, nước...

Đó là bà Võ Thị Đào (80 tuổi, ở thôn Gia An, xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Còn anh lính năm xưa được cứu sống là Lã Viết Quang (quê Thanh Hóa). Câu chuyện khó tin đó đã diễn ra trong thời điểm chiến tranh ác liệt cách đây hơn 40 năm.

Chị đã sinh ra tôi lần thứ 2

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi trở về xã Hoài Châu, mảnh đất anh hùng trong thời chống Mỹ cứu nước để thăm lại người phụ nữ mà cách đây 42 năm, hồi tháng 8/1972, khi chiến sự diễn ra khá ác liệt tại thôn An Quý giữa ta và địch nhằm bảo vệ xã Hoài Châu vừa được giải phóng, đã cứu sống một chiến sĩ giải phóng quân của ta bị thương nặng, bằng một cách hết sức đặc biệt. Lúc ấy, bà Đào cùng 3 người phụ nữ khác ở cùng làng Gia An là Nguyễn Thị Khanh, Võ Thị Lạc và Võ Thị An đi chợ Tam Quan mua lương thực tiếp tế cho bộ đội. Trên đường về đến xóm 1, thôn An Qúy thì gặp trận càn dữ dội của địch. Địch bắn như vãi đạn trên đầu.

Bà Đào (bên trái) cùng bà Nguyễn Thị Khanh kể lại chuyện cũ 
Bà Đào (bên trái) cùng bà Nguyễn Thị Khanh kể lại chuyện cũ 

Biết chiến sĩ của ta bị thương, mặc dù trong mưa bom bão đạn nhưng các chị không sợ, rất bình tĩnh khôn khéo thay nhau dìu người thương binh ra khỏi làn đạn, đến một căn hầm bí mật an toàn. Tại đây, sau khi xé áo làm ga băng bó vết thương, chị Bốn (tức bà Võ Thị Đào) thấy người chiến sĩ giải phóng đã kiệt sức vì máu ra rất nhiều, miệng khô cứng và liên tục đòi nước. Trong lúc nguy cấp, biết tìm đâu ra được nước bây giờ? Lúc này, chị cảm thấy bầu ngực mình căng tức vì từ sáng bị kẹt giữa trận địa không về nhà kịp cho con bú. Thế là trong đầu chị nghĩ đến vắt sữa mình thay nước. Nhìn trong hầm có cái ly, chị vắt nhanh dòng sữa nóng hổi vào ly rồi cho anh thương binh uống. Chính nhờ dòng sữa “thần kỳ” ấy, anh thương binh đã dần tỉnh lại.
Bà Đào khoe tấm Huân chương kháng chiến hạng Nhất của mình 
Bà Đào khoe tấm Huân chương kháng chiến hạng Nhất của mình 

“Khi tui mang vào hầm, đưa cho anh, không biết có phải do mắc cỡ hay không mà anh từ chối không uống, nói tôi chỉ cần nước thôi. Lúc ấy tui nóng ruột quá bảo: Cố mà uống đi, không ngại gì cả, lúc này tính mệnh anh là trên hết. Anh nghe lời, tay cầm ly sữa đưa lên miệng mà nước mắt chảy ròng. Vừa uống anh vừa nghẹn ngào nói với tui: Em năm nay 29 tuổi. Ly sữa này của chị đã cứu sống em, kể như em được sinh ra lần thứ 2”, bà Đào lục lại trí nhớ.

Sau này, người chiến sĩ ấy là Trung đội trưởng Lã Viết Quang, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 (Đoàn Sao Vàng). Sau đó, anh Quang được chuyển lên tuyến trên, rồi ra miền Bắc trị thương.

Cuộc hội ngộ sau gần 40

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Quang về quê sinh sống tại xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Đã có không ít lần ông Quang viết thư về Hoài Châu hỏi thăm tung tích ân nhân. Nhưng do xã Hoài Châu cũ tách thành 2 xã Hoài Châu và Hoài Châu Bắc nên thư liên tục bị lạc, ông Quang không nhận được hồi âm.

Bà Đào khoe tấm Huân chương kháng chiến hạng Nhất của mình 
Ông Quang (áo trắng đứng giữa) cùng 4 người phụ nữ Hoài Châu cứu sống trong kháng chiến tại buổi gặp mặt năm 2010

Mãi đến năm 2010, đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng tổ chức thăm lại chiến trường xưa tại xã Hoài Châu Bắc. Dù sức khỏe yếu do vết thương chiến tranh để lại nhưng ông Quang vẫn quyết quay lại chiến trường xưa mong tìm gặp người chị năm xưa đã vắt sữa cứu sống mình.

Khi đoàn về xã Hoài Châu Bắc, ông Quang dò la tin tức hỏi thăm về bà Đào. Biết chuyện, địa phương đã bí mật tạo một cuộc gặp bất ngờ. Ngày hôm sau, giữa hàng trăm người có mặt tại hội trường, ông chủ tịch xã Hoài Châu Bắc giới thiệu có một thương binh của Sư đoàn 3 Sao Vàng muốn tìm người đã vắt sữa cứu mình thoát chết. Lúc này, bà Đào mới ngớ người ra, khi ông Quang kép ống quần lên, nhìn thấy vết thương ở gót chân bà Đào thốt lên: “Đúng là anh rồi. Vậy là anh vẫn còn sống khỏe mạnh”. Không cầm được cảm xúc hai người ôm lấy nhau mà nước mắt cứ chảy ròng.

Ở tuổi xế chiều nhưng bà Đào đang một mình lủi thủi sống trong căn nhà cấp 4 tại quê nhà 
Ở tuổi xế chiều nhưng bà Đào đang một mình lủi thủi sống trong căn nhà cấp 4 tại quê nhà 

Vài tháng sau, ông Quang đặt vé tàu mời bà Đào ra Hà Nội, nơi con ông đang làm việc. Vợ chồng ông Quang từ Thanh Hóa ra, đưa bà Đào tham quan khắp Hà Nội. Từ đó, hai gia đình trở nên thân thiết.

Sau này, con trai ông Quang, mỗi khi có dịp vào Sài Gòn lại ghé lại nhà để thăm bà Đào. Tết Quý Tỵ vừa qua, ông Quang lại vào Bình Định để thăm lại bà Đào.

Một gia đình 3 đời là liệt sỹ

Chiến tranh đi qua, hầu hết những người thân của bà Đào đều đã hy sinh cho Tổ quốc. Ở xã Hoài Châu, người dân địa phương vẫn gọi bà Đào bằng má Nhương, được biết đến là người của gia đình 3 đời là liệt sĩ.

Bà Đào lấy những tấm Huân chương kháng chiến của chồng và con đã hy sinh cho Tổ quốc.
Bà Đào lấy những tấm Huân chương kháng chiến của chồng và con đã hy sinh cho Tổ quốc.

Mẹ chồng của bà Đào là Lê Thị Mưu trong khi cùng nhân địa phương đi đấu tranh, hy sinh tại Đồi 10 lịch sử vào ngày 20/12/1968. Một năm sau, chồng bà Đào là Lê Châu Trứ tiếp tục hy sinh vào ngày 6/11/1969. Đứa con nuôi của bà là Nguyễn Thử tham gia Cách mạng từ năm 1961, đến năm 1967 mới gửi về nhà 1 lá thư, từ ấy bặt vô âm tín.

Người anh chồng của bà Đào là Lê Tư cũng hy sinh tại huyện Phù Mỹ từ thời kháng Pháp (năm 1949). Đứa con trai đầu lòng của bà là Lê Văn Nhương trong lúc làm công tác tuyên truyền tại huyện Tuy Phước cũng bị địch giết vào năm 1972.

Tinh thần bà Đào lại suy sụp khi đứa con trai của bà mất do tai nạn giao thông ở TP. Hồ Chí Minh năm 1996 đến nay. Thêm vào đó, từ khi đứa con gái út là Lê Thị Tuyết (đứa bé chia sữa cứu thương binh Lã Viết Quang) định cư tại Pháp, 3 năm qua bà Đào sống một mình trong căn nhà đơn sơ tại quê nhà Hoài Châu Bắc. Và mỗi chiều về bà lại ngồi trước cửa nhìn về nơi xa xăm, miên mang nghĩ về những năm tháng khói lửa, nhớ chồng con, những người đồng đội đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.

Bảo Sương - Doãn Công