Chuyển đổi số là chìa khóa đưa thông tin đối ngoại ra toàn cầu
Theo Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại, chuyển đổi số chính là chìa khóa để thông tin tích cực và thành tựu của Việt Nam dễ dàng được tìm thấy, tiếp cận mọi lúc, mọi nơi trên các nền tảng...
Ngày 24/12, tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, dự và chỉ đạo hội nghị.
Đa dạng phương thức tuyên truyền và thông tin đối ngoại
Báo cáo tổng kết công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, ông Nguyễn Quế Lâm, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Ban Tuyên giáo Trung ương) đánh giá, năm 2022, bối cảnh quốc tế, trong nước đan xen giữa thuận lợi, khó khăn và thách thức.
Trong bối cảnh đó, Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại và Ban Tuyên giáo các cấp đã hoàn thành tốt vai trò chỉ đạo, lãnh đạo toàn lực lượng triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới, đảm bảo sự thống nhất về nội dung và đồng bộ trọng phối hợp triển khai từ Trung ương đến địa phương.
Trong năm qua, phương thức tuyên truyền và thông tin đối ngoại đã triển khai đa dạng, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các phương thức truyền thông mới, nhất là mạng xã hội.
Đổi mới phương thức tuyên truyền bằng cách thực hiện chuyển đổi số dưới hình thức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức trực tuyến, mang đến trải nghiệm mới mẻ, phù hợp với giới trẻ, tiếp cận được đông đảo người dân trong nước, kiều bào và bạn bè quốc tế.
Trong thời gian tới, theo lãnh đạo Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là đẩy mạnh thông tin đối ngoại về thành tựu công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực; vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị; đất nước, con người, trí tuệ, văn hóa, hệ giá trị Việt Nam; tiềm năng thu hút đầu tư, thương mại, du lịch.
Chuyển đổi số đưa thông tin tích cực và thành tựu của Việt Nam ra toàn cầu
Cùng quan điểm, ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ TT&TT) cho biết, chuyển đổi số chính là chìa khóa để thông tin tích cực và thành tựu của Việt Nam dễ dàng được tìm thấy, tiếp cận mọi lúc, mọi nơi trên tất cả các nền tảng, công cụ tìm kiếm toàn cầu.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi tư duy người lãnh đạo. Vì thế, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ TT&TT) Phạm Anh Tuấn đề xuất Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại và các bộ, ngành, địa phương hết sức quan tâm, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT trong quá trình chuyển đổi này.
Bộ TT&TT đã tích cực ứng dụng công nghệ số vào công tác tuyên truyền, trong đó xây dựng và tổ chức hiệu quả mô hình Triển lãm trực tuyến về quyền con người, triển lãm số về chủ quyền biển đảo.
Trước đó, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao cũng xác định một trong năm nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường sử dụng công nghệ để đưa các thông tin đối ngoại hiệu quả và lan tỏa rộng rãi hơn.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản sẽ tạo ra những cách tiếp cận khác nhau
Bên cạnh các ý kiến về việc tăng cường thông tin đối ngoại qua mạng xã hội, website, các phương tiện truyền thông hiện đại, đại diện Thông tấn xã Việt Nam còn nhấn mạnh vai trò của sách điện tử.
Bà Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, sách điện tử có khả năng tiếp cận độc giả nước ngoài nhanh hơn, dễ dàng hơn. Những năm qua, TTXVN tập trung phát triển nhiều loại hình thông tin hiện đại cho tuyên truyền đối ngoại, hướng tới công chúng là người nước ngoài, nhưng chưa thể đầu tư cho phát triển sách điện tử do chi phí đầu tư khá lớn, trong khi đây là xu hướng đọc của thế giới hiện nay.
Bà Vũ Việt Trang khẳng định, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản sẽ giúp đạt được mục tiêu tạo ra những cách tiếp cận khác nhau và cách đọc khác nhau cho người đọc. Do đó, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đề xuất các cơ quan quản lý xem xét cân đối đầu tư, chi phí cho sách phục vụ thông tin đối ngoại theo hướng tăng mạnh sách điện tử, trong đó hỗ trợ các nhà xuất bản phát triển năng lực kỹ thuật cần thiết cũng như đào tạo cán bộ làm sách điện tử.
Cần làm tốt hơn công tác thông tin đối ngoại qua các kênh mạng xã hội
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đồng ý với các báo cáo, các ý kiến của ban ngành, đồng thời ghi nhận một số kiến nghị, đề xuất.
Trong công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, phân giới cắm mốc và quản lý biên giới, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh vai trò của đội ngũ tuyên truyền. Bên cạnh việc nâng cao năng lực với lực lượng tuyên truyền của các ban ngành, cơ quan chức năng, cần thiết nâng cao nhận thức và năng lực của người dân, để mỗi người dân là một hạt nhân tuyên truyền.
Bên cạnh đó, theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, cần xây dựng đội ngũ tham mưu chuyên trách, đáp ứng phát triển xã hội số, nền tảng số. Đồng thời cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin đối ngoại qua các kênh mạng xã hội.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh đến một trong những yếu tố quan trọng, đó là cần có sự đồng bộ cao trong công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, cắm mốc, phân giới. Việc này bao gồm đồng bộ trong nhận thức, quản lý, nội dung tuyên truyền. Đồng bộ cả trong phương thức đổi mới, phương thức tuyên truyền, hướng tới đa dạng hóa, đa tầng, đa đối tượng phục vụ.
Theo Hải Đăng/Vietnamnet.vn