"Chúng tôi chờ đợi cả năm để 17/2 được lên Pò Hèn với đồng đội"
(Dân trí) - "41 năm đã qua, vẫn tượng đài hệt như vòng tay đồng đội, vẫn ngôi nhà tưởng niệm mái đỏ tươi, vẫn những tấm bia đá ghi tên từng liệt sĩ… rất đỗi quen thuộc nhưng đến lần nào cũng nghẹn ngào xúc động"
Đã từ lâu, cứ đến ngày 17/2, từ sáng sớm những người dân sinh sống ở Pò Hèn, Hải Sơn, Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã thấy những người lính già cùng nhau đến Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn.
Người bày biện mâm cỗ cúng, người cắm hoa, người chuẩn bị bài khấn… Tất cả đều lặng lẽ làm phần việc của mình để rồi cùng nhau thắp nén hương thơm, tưởng nhớ đồng đội đã khuất.
Năm nay cũng vậy, ngay từ chiều 16/2, tất cả lại tập trung tại nhà ông Hoàng Như Lý ở đường xuống Trà Cổ, Móng Cái để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ vào hôm sau.
Sau những cái ôm thật chặt, họ cùng nhau đến thăm nhà liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, ở Bình Ngọc, Móng Cái; đến trường Bình Ngọc nơi đặt tượng liệt sĩ Chiêm. Tối đó, sau bữa cơm thân mật, bên chén trà nóng đượm hương thơm được chủ nhà chuẩn bị tỉ mỉ, họ lại cùng nhau ôn lại trận chiến năm ấy, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui có, buồn có của một năm vừa qua. Và không ai bảo ai, tờ mờ sáng tất cả đã chỉnh tề để lên đường đến với đồng đội.
Trước đó, trong cuộc điện thoại vào chiều 16/2, ông Hoàng Như Lý đã chia sẻ về chuyến đi cùng đồng đội với chúng tôi. Theo đó, chiều tối những nhân chứng lịch sử khoảng hơn 10 người ăn cơm tại nhà ông Lý. Sáng 17/2 tất cả lên Pò Hèn làm lễ dâng hương tưởng nhớ những đồng đội đã khuất. Sau đó cùng ăn trưa tại một nhà dân ở gần Pò Hèn trước khi kết thúc, người về Móng Cái, người xuôi Hạ Long.
Ông Hoàng Như Lý cũng cho biết, năm nay dịch Covid-19 nên có nhiều việc phải hạn chế. Ông cũng đã chuẩn bị bài cúng giỗ đồng đội, chưa đọc nhưng nước mắt đã giàn giụa.
"Với chúng tôi, 41 năm đã qua, vẫn tượng đài hệt như vòng tay đồng đội, vẫn ngôi nhà tưởng niệm mái đỏ tươi, vẫn những tấm bia đá ghi tên từng liệt sĩ… rất đỗi quen thuộc nhưng đến lần nào cũng nghẹn ngào xúc động", ông Lý chia sẻ.
Pò Hèn từ lâu đã trở thành địa danh được biết đến như một bản hùng ca về tinh thần cách mạng, lòng quả cảm… của quân và dân ta trong trận chiến bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc vào mùa xuân năm 1979.
Trước đó, vào tháng 3/2014, di tích Đài tưởng niệm Pò Hèn bao gồm: Cụm tượng đài được xây dựng trên nền của Đồn Công an nhân dân vũ trang 209 năm xưa và toàn bộ cảnh quan toàn tại đây chính thức được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh Quảng Ninh. Và cũng từ đó, cứ vào dịp tri ân các anh hùng liệt sĩ, mảnh đất biên cương vốn heo hút lại trở nên ấm áp bởi được đón nhận tình cảm từ các cựu chiến binh, chiến sĩ, người dân… từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm tới thắp nén hương thơm.
Cuối năm 2019, ông Hoàng Như Lý đã xuất bản cuốn sách "Hiên ngang Pò Hèn, ký ức còn mãi" viết về trận chiến phía Bắc năm ấy. Ngay khi cuốn sách được xuất bản, ông Lý đã mang lên Pò Hèn làm lễ báo nghĩa với đồng đội.
Theo ông Lý, cuốn sách được xuất bản là hoàn thành tâm nguyện của anh em, làm vui lòng bản thân và cũng là để thế hệ con cháu mai sau được biết đến tinh thần chiến đấu dũng cảm bảo vệ biên cương Tổ quốc của lớp người đi trước.
Theo lịch sử Đảng bộ xã Hải Sơn, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, rạng sáng ngày 17/2/1979, phía Trung Quốc mở cuộc tấn công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Trên địa bàn huyện Hải Ninh, chúng dùng pháo cối hạng nặng và các loại súng đại liên, trung liên bắn dữ dội vào nhiều vị trí của ta, trong đó có Đồn Biên phòng 209, chỗ ở của các đội công nhân lâm nghiệp Hải Sơn và các khu dân cư dọc tuyến biên giới từ xã Lục Lằm đến Bắc Phong Sinh.
Tại Đồn 209, vào lúc 4h43 cùng ngày, địch dùng các loại hỏa lực như: súng cối 120 ly, 82 ly… bắn dồn dập vào khu vực trận địa chiến đầu của đồn.
Sau khoảng 30 phút bắn cấp tập, khoảng 2.000 lính đối phương tràn sang. Trong khi lực lượng của đồn lúc này chỉ có hơn 60 người nên dù đã kiên cường chiến đấu, đại bộ phận lực lượng của đồn đã hy sinh anh dũng.
Cũng theo lịch sử Đảng bộ xã, chiều tối ngày 17/2, Trung đoàn tự vệ nông trường đã cử 2 trung đội cơ động đến khu vực Đồn 209 để nắm tình hình. Nhận thấy dấu hiệu địch phục kích tại đây, để tránh thương vong, lực của ta ém lại nằm chờ. Đến đêm 20/2/1979, khi nhận thấy đã an toàn, lực lượng của ta nhanh chóng vào đồn, tập kết và đưa thi hài các chiến sĩ ra ngoài.