Chứng minh Việt Nam là nơi đáng sống, đáng đầu tư!

(Dân trí) - Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 2, khóa IX của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chiều 3/7, nội dung về việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19.

Không chỉ hỗ trợ mà cần “thay máu”

Chứng minh Việt Nam là nơi đáng sống, đáng đầu tư! - 1

Các lãnh đạo tham dự hội nghị Đoàn Chủ tịch Mặt trận.

Tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân chia sẻ nhiều ấn tượng của doanh nghiệp trong công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

Theo ông Thân, thắng lợi bước đầu của nước ta không những đã bảo vệ được sinh mạng của người dân mà còn tiết kiệm được nhiều nghìn tỷ đồng cho các dịch vụ y tế và công tác phòng, chống dịch.

“Đây là minh chứng thuyết phục cho nhân dân cả nước, cộng đồng quốc tế và đặc biệt là các nhà đầu tư trong và ngoài nước rằng Việt Nam là một nơi đáng sống, đáng để hợp tác và đầu tư”, ông Thân nói.

Tuy nhiên, theo ông, hiện nay đại dịch Covid-19 vẫn gây ra sự “đứt gãy” cho chuỗi cung ứng toàn cầu và làm chao đảo hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.

Để phục hồi phát triển kinh tế, ông Thân kiến nghị Chính phủ giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án lớn để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào nhiều gói thầu khác nhau.

Bên cạnh đó, cần kiến nghị Chính phủ cân nhắc việc giãn thuế VAT cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đến hết năm 2020; miễn trừ toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020; có giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực “nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn” trong dân và doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho rằng chính sách hỗ trợ sẽ không thành công nếu chỉ tập trung vào hỗ trợ phổ thông. Trong khi những ngành có tiềm năng như hàng không, du lịch… đang phải chờ đợi lâu để nhận được hỗ trợ.

“Những doanh nghiệp thuộc các ngành khác đang thiếu vốn, gặp khó khăn sẽ có thể bị các doanh nghiệp khác thâu tóm gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nói và cho rằng gói hỗ trợ cần được triển khai kịp thời đến các doanh nghiệp, tạo cú hích mạnh để kích hoạt những ngành này hoạt động trở lại, từ đó kinh tế sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh cho rằng cùng với việc phòng chống dịch Covid-19, nhiệm vụ đặt ra hàng đầu là phải tái cấu trúc nền kinh tế, chú trọng đến việc nội địa hóa khoa học công nghệ cũng như kích cầu du lịch nội địa theo hướng xây dựng thương hiệu quốc gia.

Theo ông Vinh, sau Covid-19, mặc dù việc kích cầu du lịch chúng ta đang làm rất nóng, thực tế vẫn chưa đảm bảo chất lượng.

Chính vì vậy, để phát triển kinh tế phải đổi mới tư duy để đánh giá đúng tiềm năng về thị trường, để người dân tiếp cận với du lịch theo đúng tầm nhìn, “để nói đến khoa học công nghệ, nói đến tái cấu trúc nền kinh tế, nói đến du lịch thì phải nói đến thương hiệu quốc gia”.

Về phục hồi kinh tế xã hội hậu Covid-19, PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) góp ý cách thức cứu trợ của Nhà nước với doanh nghiệp cần có sự tính toán lâu dài, để không chỉ cứu trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt mà giúp doanh nghiệp được “thay máu”, có kinh phí để đổi mới, sáng tạo.

Ông Lý Ngọc Minh (Tổng Giám đốc công ty TNHH Minh Long 1) nêu thực tế, sau đại dịch có nhiều doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản, nhiều tập đoàn lớn đang lung lay. Những ngành như hàng không, du lịch phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.   

Để từng bước phục hồi nền kinh tế, ông Minh cho rằng cần kích cầu du lịch để thúc đẩy kinh tế.

“Bước đầu nên cho những nước tạm ổn định dịch đến với Việt Nam để phát triển du lịch, đây chính là cơ hội vàng để chúng ta khẳng định vị thế và mang lại niềm tin tới các nước trên thế giới”, ông Minh kiến nghị.   

Tiền đi từ nhà nghèo vào nhà giàu?

Chứng minh Việt Nam là nơi đáng sống, đáng đầu tư! - 2
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại hội nghị (ảnh: Quang Vinh).

Báo cáo về công tác giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết việc xác định các đối tượng còn khó khăn trong kiểm tra và xác minh, chủ yếu dựa vào thông tin do người lao động và người sử dụng lao động cung cấp.

Về sai phạm, ông Lềnh cho biết có những đối tượng không đủ điều kiện vẫn đưa vào trong danh sách (từ trần trước ngày 1/4/2020, đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam); cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác; hưởng hỗ trợ theo diện đối tượng khác đã chuyển đi, trùng danh sách đối tượng…

Theo ông Lềnh, những phát hiện này đều được các cấp MTTQ phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền để chỉ đạo, giải quyết.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng lưu ý phải tăng cường vai trò của MTTQ cấp cơ sở trong triển khai các hoạt động của Trung ương đến địa phương. MTTQ phải tham gia giám sát việc giải ngân các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch.

“Vừa qua vẫn còn tình trạng tiền hỗ trợ không đúng địa chỉ, từ nhà nghèo đi vào nhà giàu, gói cứu trợ đi vào nhà những người không đáng được hưởng”, bà Doan nói.

Phương Thảo