Chưa chốt thời hạn trở lại thực hiện lộ trình tăng lương
(Dân trí) - Quốc hội cho phép Chính phủ chưa điều chỉnh lương cơ sở từ 1/7/2010 như kế hoạch, không ấn định thời hạn cụ thể việc lùi thời điểm tăng lương này mà giao Chính phủ báo cáo khi phù hợp…
Đây là nội dung thể hiện trong Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV được Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp vào chiều 19/6/2020.
Cụ thể, Nghị quyết kỳ họp nêu rõ, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020.
Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở.
Trước đó, báo cáo, giải trình tiếp thu các ý kiến về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, một số đại biểu Quốc hội đề nghị việc chưa điều chỉnh mức lương cơ sở theo kế hoạch nhưng chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và giữ nguyên việc thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng kể từ 1/7/2020 theo lộ trình.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/1/2021. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu trước 1/1/1995 và người hưởng trợ cấp. Có ý kiến đề nghị, căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở vào ngày 31/12/2020 hoặc trước ngày 1/1/2021.
Với những ý kiến này, UB Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, để khắc phục tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến cân đối ngân sách nhà nước, việc chưa điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2020 như kế hoạch là cần thiết, thể hiện sự đồng lòng cùng chia sẻ khó khăn với Nhà nước. Vậy nên sau khi cân nhắc, UB Thường vụ Quốc hội cho phép chưa điều chỉnh lương cơ sở, bao gồm cả lương hưu.
Nghị quyết kỳ họp thứ 9 cũng đề cập nội dung thực hiện chương trình giáo dục, sách giáo khoa mới. Quốc hội thống nhất giao Chính phủ Tiếp tục triển khai thực hiện và kịp thời báo cáo Quốc hội về những vấn đề đặt ra trong thực tế nhằm thực hiện tốt nhất Nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội khóa XIII về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh lộ trình thực hiện triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Quốc hội lưu ý tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa lớp 1; tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định; hoàn thiện quy trình, chính sách biên soạn sách giáo khoa phổ thông.
Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43 năm 2014 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó. Bảo đảm giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân. Có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa đối với học sinh và thư viện trường phổ thông vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Chính phủ cũng được giao nhiệm vụ tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.
Quốc hội đánh giá, trong những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn chưa từng có do tác động của đại dịch Covid-19. Kinh tế thế giới rơi vào suy thoái; các đối tác lớn của nước ta đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu tác động nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ. Biến đổi khí hậu, hiện tượng thiên tai khắc nghiệt ở trong nước gây nhiều tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng cả hệ thống chính trị đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc tạo nên sức mạnh tổng hợp để cùng Chính phủ vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai.
Dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, lây nhiễm trong cộng đồng thấp, tỷ lệ người mắc bệnh trên quy mô dân số thấp, chưa có trường hợp tử vong do dịch bệnh; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Vai trò, vị thế, hình ảnh của Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế.
Phương Thảo