Chủ tịch Quốc hội: “Nhận phiếu tín nhiệm thấp tôi coi là… bình thường”
(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông tin, kết quả lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng đoàn Quốc hội cho thấy, 51 nhân sự thuộc diện được lấy phiếu, không ai có mức tín nhiệm thấp trên 50%. Đó là một tin vui, động viên lớn với những người đang hoạt động tại Quốc hội.
Chiều 21/1/2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì cuộc gặp mặt các cơ quan thông tấn báo chí xuân Kỷ Hợi 2019 để thông tin về kết quả hoạt động của Quốc hội trong năm 2018. Cuộc gặp mặt được tổ chức ngay khi cuộc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng đoàn Quốc hội kết thúc.
Chủ tịch Quốc hội thông tin, có 51 chức danh lãnh đạo thuộc các cơ quan của Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội được lấy phiếu tín nhiệm lần này, trừ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (là các Uỷ viên Bộ Chính trị, đã được lấy phiếu ở Ban Chấp hành Trung ương), Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (đã được lấy phiếu ở Văn phòng Trung ương Đảng) mà một số người đảm nhiệm chức vụ công tác chưa đủ 1 năm như quy định của việc lấy phiếu.
“Tôi xin báo tin là không có ai trong số những người được lấy phiếu có mức tín nhiệm thấp trên 50%. Đó là một tin vui, động viên lớn với những người đang hoạt động tại Quốc hội. Mức đánh giá tín nhiệm cao, thấp khác nhau, là công cụ để mỗi người chúng tôi tự đánh giá bản thân mình” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đây là lần thứ 2 Đảng đoàn Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả này cũng tương đồng với kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội hồi tháng 10 vừa qua. Đánh giá của các Đảng viên làm việc tại Quốc hội và đánh giá của các đại biểu Quốc hội được xem là “gặp nhau” ở nhiều điểm.
Lãnh đạo Quốc hội bày tỏ, việc có người đạt số tín nhiệm cao nhiều, có người lại nhận phiếu tín nhiệm thấp tương đối là chuyện bình thường, những người được lấy phiếu nên xác định tâm thế đó. “Tôi cũng bị phiếu tín nhiệm thấp, cả trong Quốc hội và trong Ban chấp hành Trung ương. Tôi coi đó là chuyện bình thường, nhận phiếu tín nhiệm thấp để hiểu là vẫn có việc mình làm chưa tốt so với mong mỏi, yêu cầu của các đại biểu, để cố gắng, phấn đấu hơn” – Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Đảm bảo sự đồng thuận mới làm luật Đặc khu
Chủ tịch Quốc hội: "Tôi cũng bị phiếu tín nhiệm thấp, cả trong Quốc hội và trong Ban chấp hành Trung ương".
Nói về một điểm còn hạn chế trong hoạt động của Quốc hội là việc truyền tải thông tin pháp luật, chính sách tới cử tri chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa kịp thời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn ví dụ luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt. Đây là dự luật nhận nhiều phản ứng từ dư luận ngay trước thời điểm dự kiến được thông qua, hiện đang phải tạm dừng, chưa có kế hoạch cụ thể được đưa lại nghị trường.
Chủ tịch Quốc hội nhận định, với dự án luật này, do các cơ quan Quốc hội chưa chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, báo giới cũng chưa chủ động quan tâm tìm hiểu, đưa tin nên thông tin đưa ra dư luận chưa đúng, đủ, dẫn tới bị lợi dụng, bóp méo, kích động khiến người dân biểu lầm là luật này nêu chủ trương cho nước ngoài, nhất là Trung Quốc, thuê đất tại các đặc khu với thời hạn tới 99 năm. Kết cục, luật chưa được thông qua, ban hành thì người dân biểu tình phản đối. Tiếp thu những ý kiến đưa ra, lãnh đạo Quốc hội chủ động xin ý kiến, đề nghị tạm dừng dự án luật để nghiên cứu cẩn trọng hơn, đảm bảo có sự đồng thuận của người dân, dư luận mới tiếp tục.
Khẳng định dự luật không có quy định, câu chữ nào nói “cho Trung Quốc thuê đất 99 năm” mà lại bị hiểu nhầm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần phải rút kinh nghiệm về việc này.
“Chỉ quanh một dự án luật đang bàn thôi, chỉ từ một số ý kiến phát biểu, phản biện có vẻ gay gắt một chút thôi mà không khí đó đã lan toả ra ngoài hội trường Quốc hội, bản thân chúng tôi thấy đáng phải suy nghĩ, phải rút kinh nghiệm việc chưa quan tâm đầy đỷ khâu thông tin tuyên truyền”- Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
7 dấu ấn của Quốc hội năm 2018
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khái quát, 2018 là năm thứ 3, năm bản lề của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV. Với tinh thần tiếp tục đổi mới, Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, hiệu quả, để lại ấn tượng với cử tri. Tổng thư ký Quốc hội nêu 7 dấu ấn của Quốc hội trong năm 2018.
Đầu tiên, năm 2018, Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước. Đây được xem là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.
Trong năm, Quốc hội thông qua 16 dự án luật, trong đó có nhiều luật quan trọng, tạo chính sách mang tính đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như luật sửa đổi, bổ sung 37 luật liên quan đến quy hoạch, luật an ninh mạng, luật giáo dục đại học sửa đổi, luật phòng chống tham nhũng sửa đổi…
Quốc hội thông qua nghị quyết gia nhập CPTTP; tổ chức thành công APPF 26.
Kỳ họp cuối năm, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Hoạt động chất vấn và tổ chức chất vấn được tổ chức theo phương thức “hỏi nhanh đáp gọn” nhằm tăng tính đối thoại và tranh luận. Số lượt chất vấn và tranh luận tại 2 kỳ họp trong năm 2018 là cao nhất trong lịch sử Quốc hội. Việc không ấn định trước người trả lời chất vấn và nhóm vấn đề chất vấn lại kỳ họp thứ 6 khiến có tới 19 Bộ trưởng, trưởng ngành, 2 Phó Thủ tướng, Thủ tướng có cơ hội trả lời chất vấn, cũng là con số nhiều nhất từ trước tới nay.
2018 Quốc hội tiến hành việc giảm đầu mối khối văn phòng cơ quan dân cử, cụ thể, 12 tỉnh thành đã thực hiện việc sáp nhập Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng HĐND, UBND tỉnh.
P.Thảo