Chủ tịch Quốc hội: Làm luật trong phòng lạnh sao biết người dân muốn gì?

Thái Anh

(Dân trí) - Trong chương trình hành động chuẩn bị để vận động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh ưu tiên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là một trong những ứng viên đại biểu Quốc hội được cơ quan Trung ương giới thiệu ứng cử tại huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng (đơn vị bầu cử số 3).

Cùng với hồ sơ ứng cử được gửi về địa phương để cử tri tìm hiểu, Chủ tịch Quốc hội cũng chuẩn bị bản chương trình hành động để vận động, thuyết phục các cử tri bỏ phiếu bầu cho mình.

Chủ tịch Quốc hội: Làm luật trong phòng lạnh sao biết người dân muốn gì? - 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử trong bối cảnh phải sát sao chống dịch Covid-19.

Trong văn bản này, người lãnh đạo đứng đầu Quốc hội vừa được bầu vào vị trí chủ chốt này 2 tháng trước khẳng định, nếu được tiếp tục bầu làm đại biểu Quốc hội, bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XV, sẽ cùng UB Thường vụ Quốc hội tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, chủ động, sáng tạo, công khai, minh bạch, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Ông sẽ cùng UB Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Quốc hội nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại. Kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật mới để bảo đảm thi hành Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân; cụ thể hóa và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, khả thi của các đạo luật; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trong chương trình hành động của Chủ tịch còn có nội dung tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, đặc biệt là tăng cường giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc trong xã hội, việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát; đẩy mạnh hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đưa vào chương trình hành động cam kết nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhất là các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công, định hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, chuẩn hóa các quy định về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề quan trọng...

Chủ tịch Quốc hội: Làm luật trong phòng lạnh sao biết người dân muốn gì? - 2
Chủ tịch Quốc hội trình bày chương trình hành động trước cử tri.

Trao đổi với cử tri trong khuôn khổ cuộc tiếp xúc, vận động bầu cử diễn ra 9/5 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội hứa chú trọng hơn nữa việc lắng nghe, truyền tải ý kiến của cử tri với Quốc hội để các chính sách của pháp luật đề ra sát với thực tiễn, thực hiện hiệu quả hơn.

Ông Huệ nhấn mạnh, nếu ngồi phòng lạnh để làm luật và nghị quyết thì sẽ không sát thực, không lắng nghe được người dân muốn gì và thực tiễn cuộc sống đang như thế nào.

Ông dẫn chứng, việc tháo gỡ nút thắt về tích tụ ruộng đất, để có thể sửa đổi căn cơ chính sách, các cơ quan chức năng đang tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19 của Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Dự kiến trong năm 2022, Quốc hội cũng sẽ xem xét, sửa đổi Luật Đất đai, trong đó có vấn đề đẩy mạnh thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ tập trung hơn cho công tác giám sát, giám sát có trọng tâm trọng điểm liên quan đến những vấn đề bức xúc của dân như các vấn đề liên quan đất đai, bảo vệ tài nguyên, môi trường, đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống lãng phí, nâng cao hơn nữa chất lượng các phiên giải trình.