Chủ tịch Quốc hội: "Càng những lúc khó khăn càng tìm ra nhiều cơ hội"

Quang Phong

(Dân trí) - Phát biểu tại buổi làm việc trực tuyến Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, càng những lúc khó khăn càng tìm ra nhiều cơ hội.

Ngày 30/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc trực tuyến với Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC). Buổi làm việc được thực hiện trực tuyến tại Việt Nam, Hoa Kỳ và một số nước ASEAN.

Không có khoản trợ cấp nào bằng việc mở cửa trở lại

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao tất cả những nỗ lực mà Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện để bảo vệ người dân khỏi Covid-19.

Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị cụ thể với Việt Nam về các biện pháp đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn trong bối cảnh dịch bệnh.

Chủ tịch Quốc hội: Càng những lúc khó khăn càng tìm ra nhiều cơ hội - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc trực tuyến với Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (Ảnh: Hương Giang).

Các kiến nghị, đề xuất được đưa ra như tiếp tục có các gói hỗ trợ liên quan đến miễn, giãn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí trên cơ sở cân nhắc, đánh giá tình hình hợp lý, bảo đảm bình đẳng trong đầu tư kinh doanh; đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đặc biệt là sớm mở cửa trở lại ở quy mô rộng hơn.

Ông Chris Helzer, Phó Chủ tịch Thương mại toàn cầu Tập đoàn NIKE nhấn mạnh không có khoản trợ cấp hoặc giảm thuế nào quan trọng bằng việc cho phép mở cửa trở lại với quy mô rộng rãi, bền vững trên cơ sở ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động.

Đồng thời việc mở cửa trở lại cần được đơn giản hóa về thủ tục và hài hòa, thống nhất giữa các tỉnh và địa phương. "Tôi tin Việt Nam có thể kiểm soát mà không cần phải giãn cách trong thời gian quá dài nữa", ông Chris Helzer nói.

Trong khi đó, các doanh nghiệp như City Bank, IBM, Mastercard… quan tâm đến chuyển đổi số, kinh tế số. Theo các doanh nghiệp này, Việt Nam đang ở vị thế tốt để đạt được tham vọng số bằng cách tận dụng thế mạnh của mình và tạo ra các thể chế theo hướng khuyến khích, chấp nhận các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ và mô hình kinh doanh số mới, có tác dụng phát triển tài chính bao trùm.

Việt Nam đang chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp Hoa Kỳ đã phản ánh mối quan tâm chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Những vấn đề không thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì sẽ chuyển tới Chính phủ và các cơ quan liên quan.

"Càng trong những lúc khó khăn, chúng ta càng tìm ra nhiều cơ hội nhất. Tôi đánh giá rất cao sự quan tâm của doanh nghiệp Hoa Kỳ, dù hiện nay Việt Nam cũng đang còn nhiều khó khăn do tác động của đại dịch. Tuy nhiên, khó khăn chỉ là trước mắt và tạm thời, hai bên vẫn có cơ sở, nền tảng tốt để tiếp tục hợp tác phát triển vì sự thịnh vượng chung", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội: Càng những lúc khó khăn càng tìm ra nhiều cơ hội - 2

Các đại biểu tham dự buổi làm việc (Ảnh: Hương Giang).

Chia sẻ với các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam đang chuyển hướng về chiến lược phòng, chống dịch theo hướng sống chung, an toàn và thích ứng với dịch Covid-19. 

Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đang nghiên cứu xây dựng chiến lược, khung khổ chính sách thống nhất về khởi động lại các hoạt động kinh tế - xã hội để áp dụng nhất quán từ Trung ương đến địa phương có tính đến sự linh hoạt điều chỉnh nhất định cho phù hợp với từng địa phương, từng doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận các kiến nghị về giảm, giãn, hoãn thuế, phí và cho biết, vừa qua, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về vấn đề này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần tiếp tục có các gói hỗ trợ từ cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chú trọng hơn các chính sách tài khóa, không chỉ giãn, hoãn các khoản thuế mà còn hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp đang bị thua lỗ, gặp khó khăn về dòng tiền hoặc hỗ trợ bằng tiền mặt cho người lao động và người sử dụng lao động.

Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ và USABC tiếp tục đóng góp ý kiến cho Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số.