1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chủ tịch quận Hoàn Kiếm nói về số tiền gần 15 tỷ bảo tồn biệt thự Pháp cổ

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, số tiền gần 15 tỷ đồng để tu bổ, sửa chữa biệt thự Pháp cổ ở số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài là nguồn ngân sách của quận.

Chiều 15/4, trong khuôn viên của biệt thự Pháp cổ ở số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) diễn ra triển lãm ảnh "Hà Nội - Khởi đầu một đô thị kiểu phương Tây ở Đông Nam Á".

Chủ tịch quận Hoàn Kiếm nói về số tiền gần 15 tỷ bảo tồn biệt thự Pháp cổ - 1

Màu sắc của căn biệt thự Pháp cổ sau khi tu bổ, sửa chữa đang nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của dư luận (Ảnh: Nguyễn Hải).

Tại triển lãm, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết căn biệt thự Pháp cổ ở 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài là một trong những công trình xây dựng giai đoạn đầu khi người phương Tây vào Thủ đô, nằm trong khuôn viên của khu trung tâm. 

Công trình đã trải qua nhiều thay đổi và xuống cấp, bằng sự hợp tác giữa vùng Ile-de-France (Pháp) với thành phố Hà Nội các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà bảo tồn đã cùng với UBND quận Hoàn Kiếm tiến hành trùng tu, sửa chữa.

Chủ tịch quận Hoàn Kiếm nói về số tiền gần 15 tỷ bảo tồn biệt thự Pháp cổ - 2

Ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Quá trình tu bổ căn biệt thự đã phát hiện rất nhiều những vật liệu mang từ Pháp sang, đặc biệt, các vật liệu liên quan đến nền nhà kết cấu thép", ông Long chia sẻ.

Về màu sắc của công trình đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau của dư luận, ông Long khẳng định, quá trình tu bổ đã phát hiện được màu vôi đầu tiên của căn biệt thự và chất liệu tạo ra màu sắc hiện nay có nguồn gốc từ vôi để đảm bảo tính đồng nhất từ khi xây dựng.

Với nguyên tắc bảo tồn, công trình được hoàn thiện bằng lớp vữa trát tam hợp gồm: Cát, vôi, xi măng.

Chủ tịch quận Hoàn Kiếm nói về số tiền gần 15 tỷ bảo tồn biệt thự Pháp cổ - 3

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhận xét triển lãm mang nhiều ý nghĩa, giá trị lịch sử. Ông Huy cho biết, đây lần đầu tiên người dân Thủ đô có thể chiêm ngưỡng những bức ảnh màu từ những năm 1913 - 1915 ở nhiều góc độ khác nhau (Ảnh: Nguyễn Hải).

Ông cho biết thêm, trước đây tại khuôn viên biệt thự Pháp cổ ở 49 Trần Hưng Đạo có rất nhiều công trình xây dựng xen kẽ. Vì vậy địa phương phải lên kế hoạch, đánh giá, nhận diện để tháo dỡ các công trình không phải kiến trúc gốc.

Quá trình bảo tồn, trùng tu Pháp cũng cử các kiến trúc sư, nhà chuyên gia cùng thực hiện. Khi triển khai dự án, các kiến trúc sư Pháp liên tục có những đánh giá, theo dõi. 

Chủ tịch quận Hoàn Kiếm nói về số tiền gần 15 tỷ bảo tồn biệt thự Pháp cổ - 4

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm các bức ảnh tại triển lãm được chụp từ những năm 1913 - 1915 (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Đây là công trình mẫu về trùng tu biệt thự nên nguyên tắc bảo tồn đặt lên hàng đầu" ông Long nhấn mạnh và khẳng định số tiền hơn 14,7 tỷ để tu bổ, sửa chữa biệt thự là nguồn ngân sách của quận Hoàn Kiếm và dùng trong việc xây lắp trong công trình.

Theo Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, hiện địa phương vẫn đang tiếp tục hợp tác với vùng Ile-de-France (Pháp) để tiến hành nghiên cứu, đánh giá các công trình cổ khác trên địa bàn. Quận Hoàn Kiếm cũng đang có đề án nghiên cứu và phát huy giá trị kiến trúc cảnh quan khu phố Pháp.

Trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm tiếp tục có kế hoạch chỉnh trang lại các công trình kiến trúc Pháp được xây dựng trước năm 1954 và các biệt thự cổ.

Nói về căn biệt thự Pháp cổ, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, đánh giá, các đường nét, chi tiết sau khi sửa chữa rất hài hòa, đẹp. 

Tuy nhiên, ông Nghiêm đưa ra lưu ý về màu vôi tường hiện tại quá "đậm", nếu nhạt hơn sẽ đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, cổ kính.

"Tu bổ, sửa chữa xong phải chú ý đến cảnh quan, đặc biệt là hệ thống cây xanh quanh căn biệt thự", ông Nghiêm nói.

Cũng tại triển lãm, ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam, đơn vị phối hợp với quận Hoàn Kiếm thực hiện dự án khẳng định, dự án chưa đến giai đoạn trùng tu cuối cùng, chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, các gam màu cơ bản được dùng đúng như màu gốc của công trình ban đầu.

Chỉ vào những đường kẻ chỉ gạch trên tường của căn biệt thự, ông Emmanuel Cerise nói: "Tầng dưới đã kẻ chỉ gạch giống bản gốc của công trình thì chúng ta thấy dịu mắt hơn rất nhiều. Đây là những gam màu gốc và chúng tôi khẳng định tôn trọng bản gốc của công trình".

Trả lời câu hỏi về việc đến nay dự án này khôi phục được bao nhiêu phần trăm so với bản gốc, ông Emmanuel Cerise khẳng định, đây là dự án trùng tu biệt thự cổ chứ không phải dự án khôi phục.