Chủ tịch nước: Ngân sách để lại một, TPHCM có thể làm tăng 2-3 lần
(Dân trí) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông ủng hộ việc TPHCM đề xuất tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố vì "để lại một, TPHCM có thể tăng 2-3 lần".
Sáng 14/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị bầu cử số 10 (gồm hai huyện Củ Chi và Hóc Môn), có buổi tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử tại huyện Củ Chi. Ngoài điểm cầu chính là Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Củ Chi, buổi tiếp xúc được kết nối trực tuyến đến 21 xã, thị trấn trên địa bàn.
Cùng đơn vị bầu cử với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn có bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP; ông Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM.
Ủng hộ để TPHCM có điều kiện phát triển, tiếp tục đầu tư
Trao đổi lại với cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tán thành việc cử tri kiến nghị tạo nguồn lực lớn hơn cho TPHCM phát triển hạ tầng, chăm lo đời sống, an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện nay TPHCM cần phải giải quyết tốt nhiều vấn đề về chống ngập, ùn tắc, môi trường sống.
"Vừa qua cùng làm việc với Thủ tướng, chúng tôi đã có ý kiến về việc đưa ra nghị quyết chung là nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TPHCM để thành phố có điều kiện phát triển và tiếp tục đầu tư. Chúng tôi sẽ ủng hộ việc đưa ra Quốc hội nghị quyết này", Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước: "Một phần trăm điều tiết cho TPHCM tức là tăng lên 2.000 tỷ đồng. Như vậy TPHCM có điều kiện thuận lợi hơn để đầu tư phát triển hạ tầng, giải quyết các vấn đề, nâng cao đời sống, an sinh xã hội cho người dân. Để lại một, TPHCM có thể tăng 2-3 lần".
Trước đó, tại cuộc họp của Chính phủ với TPHCM ngày 13/5, một trong những vấn đề lớn nhất mà TPHCM đề xuất là điều chỉnh tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách (từ 18% lên 23%).
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định "tinh thần là ủng hộ tối đa cho TPHCM, sự ủng hộ tối đa này vừa là khuyến khích, vừa là trách nhiệm" và lưu ý TP phải tập trung cho ba đột phá chiến lược, các dự án cụ thể có hiệu quả để thực hiện.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thông tin, hiện nay huyện Củ Chi có nhiều xã chịu ảnh hưởng bởi sự chậm trễ của Khu đô thị Tây Bắc. Trong đó, cuộc sống người dân các xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng huyện Củ Chi, Hóc Môn cần quy hoạch theo hướng liên kết, phát triển vùng đồng thời tham khảo mô hình của TP Thủ Đức.
"Huyện Hóc Môn, Củ Chi đã có bước phát triển mạnh thời gian qua. Tuy nhiên, chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để đến năm 2030-2045, hai huyện trở thành đô thị sinh thái, là đối trọng về phát triển đối với 14 quận nội thành", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Giao thông là điểm nghẽn lớn nhất của huyện Củ Chi
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thông tin, hiện nay huyện Củ Chi có nhiều xã chịu ảnh hưởng bởi sự chậm trễ của Khu đô thị Tây Bắc. Trong đó, cuộc sống người dân các xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ông nhận định ngoài việc lãng phí cơ hội phát triển của huyện, việc chậm quy hoạch đến hơn 10 năm còn ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng người dân. Ông cam kết sẽ chỉ đạo các cấp chính quyền rà soát lại khu đô thị này và triển khai sớm nếu quy hoạch còn phù hợp.
Chủ tịch nước đánh giá giao thông là điểm nghẽn lớn nhất của huyện Củ Chi trong quá trình phát triển. Dù toàn địa bàn huyện có 1.600 tuyến đường nhưng chủ yếu là đường nhỏ, đường nông thôn.
"Khi đường bộ, đường sông, đường sắt được kết nối, mở rộng thì Củ Chi, Hóc Môn sẽ phát triển không kém gì khu vực trung tâm. Chúng ta cần có tầm nhìn, nguyện vọng này để dồn sức, tháo nút thắt của 2 huyện ngoại thành còn gặp nhiều khó khăn", Chủ tịch nước khẳng định.