Chủ tịch nước: Cán bộ sợ trách nhiệm không làm gì cũng sẽ bị xử lý

Hoài Sơn

(Dân trí) - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng những cán bộ có tư tưởng bàn lùi, sợ trách nhiệm, muốn an toàn theo kiểu không làm gì hết cũng sẽ bị xem xét xử lý nghiêm.

Chiều 28/6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Sau khi lắng nghe 15 ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhận xét trong lần tiếp xúc nào, cử tri cũng nêu vấn đề công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Điều này cho thấy sự quan tâm, ủng hộ rất lớn từ xã hội.

Chủ tịch nước: Cán bộ sợ trách nhiệm không làm gì cũng sẽ bị xử lý - 1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Hoài Sơn).

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng và Nhà nước kiên trì lãnh đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao trên bình diện Trung ương cũng như địa phương với tư tưởng "không dừng, không nghỉ, không vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể đó là ai".

"Trong một vài lần tiếp xúc cử tri trước, tôi có nói đến hình ảnh "mía sâu có đốt, nhà dột có nơi". Sâu chỗ nào, dột chỗ nào thì chúng ta xử lý chỗ đó. Việc này trong thời gian vừa qua diễn ra đúng như vậy", Chủ tịch nước nêu rõ.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã và đang được triển khai quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, xử lý đến trách nhiệm của cả người đứng đầu, người quản lý không sâu sát, không chặt chẽ, để cho cấp dưới vi phạm, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, làm mất niềm tin của nhân dân.

Chủ tịch nước: Cán bộ sợ trách nhiệm không làm gì cũng sẽ bị xử lý - 2

Quang cảnh của hội nghị (Ảnh: Hoài Sơn).

Chủ tịch nước cũng cho biết, vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban đã chủ trì đánh giá lại hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sau 1 năm thành lập, cho thấy rõ quyết tâm trong công tác này.

Bên cạnh việc chống thì tích cực phòng ngừa, sau mỗi vụ việc, vụ án, sau mỗi lần xử lý sai phạm trong các lĩnh vực đều có chỉ đạo để hoàn thiện cơ chế pháp luật, rà soát để bịt lỗ hổng cơ chế, để cán bộ suy thoái không có điều kiện lợi dụng lỗ hổng để trục lợi hay phục vụ nhóm lợi ích.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cho rằng những cán bộ có tư tưởng bàn lùi, sợ trách nhiệm, muốn an toàn theo kiểu không làm gì hết cũng sẽ bị xem xét xử lý nghiêm.

"Ra đường thấy người có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng mà không cứu thì mình vi phạm lỗi đạo đức, vi phạm pháp luật tùy theo tình huống. Vậy nên cán bộ, công chức thấy người dân cần, xã hội cần mà không làm thì xứng đáng bị xử lý", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Liên quan đến ngành điện, Chủ tịch nước đồng ý với ý kiến của cử tri cần phải thanh tra ngành này và sắp tới cũng sẽ làm một cách nghiêm túc.

Chủ tịch nước cho biết, hiện đang có 2 hướng, việc thanh tra, kiểm tra xung quanh chủ trương chính sách là trách nhiệm của Bộ Công thương phải làm rõ, sớm xử lý và thông báo cho nhân dân.

Hướng thứ hai là thanh tra đối với Tập đoàn Điện lực (EVN). Trước mắt, Thủ tướng giao Bộ Công thương thanh tra.

"Các cử tri đừng lo lắng rằng giao Bộ Công thương thanh tra thì không khách quan, xử lý không đầy đủ, bỏ qua. Tôi xin khẳng định không có chuyện đó. Bộ Công thương làm không nghiêm túc thì chính bộ này sẽ bị kiểm tra, thanh tra", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đối với các kiến nghị về thuốc, vật tư y tế, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết vừa qua, sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng ngay cả trong lĩnh vực lập pháp, ban hành văn bản quy phạm pháp luật xung quanh vấn đề này.

Quốc hội xem xét rất khẩn trương, Chính phủ xem xét ban hành nghị quyết, nghị định và chỉ đạo các bộ ra thông tư để tháo gỡ việc mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh cho người dân.

"Tôi đồng ý với ý kiến của cử tri, chúng ta mới chỉ tháo gỡ được bước đầu, chưa căn cơ. Chỗ này chỗ khác vẫn còn thiếu. Một số loại thuốc phải mua với giá cao, không được bảo hiểm y tế thanh toán. Vừa rồi có một số ca bị ngộ độc, thuốc về tới nơi thì chữa không kịp", Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước, vấn đề này đang từng bước được giải quyết. Có những giai đoạn trong quá trình phát triển, vận hành theo cơ chế, sự dẫn dắt nào đó nhưng khi phát hiện ra tiêu cực, móc nối, ăn chia thì có tình trạng chưa kịp thời xác lập lại cơ chế thông thoáng, minh bạch, công bằng, công khai nên gây ra những chậm trễ cục bộ như vậy.

"Tôi tin rằng vấn đề này sẽ sớm được giải quyết để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân", Chủ tịch nước khẳng định.