Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Bùi Bằng Đoàn đảm nhiệm chức vụ quan trọng
(Dân trí) - “Với tài năng, đức độ và tri thức uyên bác của mình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đảm nhiệm nhiều công việc và chức vụ quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Sáng 16/9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP Hà Nội chủ trì tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19/9/1889 - 19/9/2019).
Chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là TP Hà Nội). Cụ là một trong những tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Là người ham học, có tri thức uyên bác, năm 1906 cụ Bùi Bằng Đoàn (khi đó mới 17 tuổi) đã đỗ Cử nhân.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cụ Bùi Bằng Đoàn có mối quan hệ tình sâu, nghĩa nặng, bất luận trong hoàn cảnh nào, cụ cũng đứng về phía nhân dân, hết lòng bảo vệ người dân…
Sau Cách mạng Tháng Tám, vua Bảo Đại thoái vị, cụ Bùi Bằng Đoàn lui về sống ở quê nhà. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập trong điều kiện cách mạng gặp muôn vàn khó khăn bởi sự chống phá của thù trong, giặc ngoài. Với tinh thần đoàn kết dân tộc và tư tưởng “tìm người tài đức” phục vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì nhiều lần viết thư tay, cử người về Hà Đông để mời cụ Bùi tham gia làm Cố vấn cho Chính phủ.
Trong bức thư đề ngày 17/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tôi tài đức ít ỏi và trách nhiệm nặng nề, thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên tôi mời ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ họa cho nước nhà, dân tộc”.
Nể phục và mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, cụ Bùi Bằng Đoàn lại rời quê, dấn thân theo con đường cách mạng. Với tài năng, đức độ và tri thức uyên bác của mình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đảm nhiệm nhiều công việc và chức vụ quan trọng. Cụ đã trở thành một trong 10 người nằm trong Ban Cố vấn của Chính phủ mà Hồ Chí Minh đích thân đề nghị trong phiên họp của Chính phủ ngày 14/11/1945.
Trong những ngày đầu thành lập, chính quyền cách mạng hoạt động còn nhiều bỡ ngỡ, khiếm khuyết. Để bộ máy chính quyền nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64 - SL, thành lập Ban Thanh tra đặc biệt là tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam ngày nay. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử cụ Bùi Bằng Đoàn và ông Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt, trong đó cụ Bùi Bằng Đoàn được cử làm Trưởng ban để bảo đảm sự lãnh đạo thực hiện của cơ quan có chức năng, quyền hạn rất lớn trong Chính phủ.
Vào tháng 1/1946, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Đông. Vào tháng 11 năm đó, cụ đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Kỳ họp thứ 2 tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng Ban thường trực QH, thay cụ Nguyễn Văn Tố đi nhận nhiệm vụ mới. Trong thời gian giữ cương vị Trưởng ban Thường trực QH - người đứng đầu cơ quan lập pháp, với sự hiểu biết sâu rộng cả về lý luận và thực tiễn, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực thi những nhiệm vụ mà Quốc hội giao phó.
Vào thời điểm đó, cụ Bùi Bằng Đoàn và Ban Thường trực QH đã nhận thức rõ nhiệm vụ của Quốc hội là tập trung toàn lực cho cuộc kháng chiến, nên dù không thể tổ chức các cuộc họp thường xuyên, nhưng ĐBQH với tư cách là đại diện của nhân dân đã kết nối, động viên quần chúng nhân dân đấu tranh với nhiều hình thức và khả năng sẵn có.
Với vai trò là người đứng đầu cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, do cử tri cả nước bầu lên, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Bằng kiến thức uyên bác và bản lĩnh chính trị vững vàng, cụ đã khẳng định: “Quốc dân ta chỉ có một Chính phủ là Chính phủ Hồ Chí Minh do Quốc dân công nhận tại Kỳ họp tháng 11/1946”. Lời tuyên bố đanh thép của cụ là một đòn giáng mạnh vào âm mưu chia rẽ của chính quyền thực dân và mưu toan lập chính quyền bù nhìn thân Pháp hòng làm giảm uy tín của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc, trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, góp ý kiến với Chính phủ và giám sát các hoạt động của Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Cụ đã có những đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ; thực hiện các chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất…
Ngày 13/4/1955, Trưởng ban Thường trực QH Bùi Bằng Đoàn đã từ trần. Cụ đi xa, nhưng tấm gương yêu nước, thương dân, tận tụy với công việc và sự liêm khiết, chính trực của cụ cùng với những cống hiến to lớn mà cụ đã để lại cho QH, cho Chính phủ, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta sẽ mãi được khắc ghi.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng Ban Thường trực QH Bùi Bằng Đoàn là dịp để tri ân và tưởng nhớ công lao, sự cống hiến to lớn của cụ đối với nhân dân và cách mạng Việt Nam.
Cụ Bùi Bằng Đoàn chính là một tấm gương tiêu biểu của một nhân sĩ yêu nước chân chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân; sống khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý của cụ là tấm gương sáng để các đại biểu Quốc hội, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập.
“Tấm gương của cụ Bùi Bằng Đoàn góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Quang Phong