Thanh Hóa:
Chậm hỗ trợ kinh phí khuyến khích xây dựng nông thôn mới
(Dân trí) - Hàng trăm thôn/ bản, xã, huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt nông thôn mới (NTM) nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ khuyến khích NTM của tỉnh hoặc nhận chưa đủ.
Năm 2010, tỉnh Thanh Hóa bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đây là tỉnh với số lượng xã nhiều nhất của nước (573 xã, chiếm 6,4% số xã xây dựng NTM toàn quốc), có 7 huyện nghèo thuộc chương trình 30a, 100 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, thường chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.
Theo quyết định về việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng NTM của UBND tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, kinh phí hỗ trợ đầu tư các công trình Trụ sở xã, Trạm y tế và Trung tâm văn hóa, xã từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Riêng kinh phí hỗ trợ các xã, thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM từ nguồn ngân sách tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 533 thôn, bản; 341 xã và 5 huyện đạt NTM và 1 thành phố đang thẩm định. Thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa mới chỉ chi hỗ trợ được 318 tỷ 800 triệu đồng cho 423 thôn, bản; 239 xã và 5 huyện. Tuy nhiên, trong số 423 thôn, bản thì có 103 mới chỉ nhận được một phần kinh phí hỗ trợ; và 5 huyện cũng chỉ mới hỗ trợ được 27 tỷ, còn thiếu 73 tỷ đồng.
Theo Văn phòng điều phối công trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa thì hiện nay, tỉnh này chưa hỗ trợ cho 110 thôn/bản, 75 xã, và hỗ trợ chưa hết đối với 103/thôn, bản; 5 huyện đạt NTM với số tiền 164 tỷ 350 triệu. Trong đó, chậm hỗ trợ cho các đơn vị đã hoàn thành vào năm 2018 là 10 tỷ 300 triệu còn lại là các đơn vị hoàn thành NTM năm 2019.
Được biết, các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020 được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận sẽ được hỗ trợ 1 tỷ đồng/xã. Mức hỗ trợ các thôn, bản đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020 thuộc những xã miền núi chưa đạt chuẩn NTM được UBND huyện công nhận là 100 triệu đồng/thôn, bản.
Đối với các xã thuộc huyện 30a, xã 135, xã bãi ngang ven biển nếu xây dựng mới công trình trụ sở xã thì được hỗ trợ 4,5 tỷ đồng/công trình; 1,3 tỷ đồng đối với công trình nâng cấp, cải tạo. Công trình trạm y tế thì hỗ trợ 2,2 tỷ đồng cho xây mới, 650 triệu đồng cho nâng cấp, cải tạo.
Đối với các xã miền núi ngoài các xã thuộc huyện 30a, xã 135 thì hỗ trợ cho việc xây trụ sở xã 4 tỷ đồng/công trình xây mới; 1,2 tỷ đồng cho công trình nâng cấp, sửa chữa. Công trình trạm y tế thì 2 tỷ đồng cho xây mới, và sửa chữa thì nhận mức 600 triệu đồng.
Các xã còn lại hỗ trợ 3,5 tỷ đồng/công trình xây mới trụ sở xã; 1 tỷ đồng cho công trình nâng cấp. Còn trạm y tế sẽ ở mức 1,8 tỷ đồng cho xây mới và 550 triệu đồng cho nâng cấp, cải tạo.
Quyết định cũng nêu rõ, việc hỗ trợ xây mới đối với công trình Trung tâm văn hóa đối với xã thuộc huyện 30a, xã 135, bãi ngang ven biển thì hỗ trợ 4,5 tỷ đồng; xã miền núi ngoài huyện 30a, xã 135 thì hỗ trợ 4 tỷ; các xã còn lại hỗ trợ 3,5 tỷ/công trình.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Đức Năng, Phó Chánh văn phòng điều phối công trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến việc các đơn vị đã được công nhận NTM nhưng chưa nhận được tiền hoặc nhận chưa đủ là do ngân sách cân đối theo giai đoạn.
Hơn nữa, dù kinh phí xây dựng các công trình có nguồn hỗ trợ của Trung ương, tuy nhiên đến nay tỉnh chưa nhận được từ nguồn này rót về trong khi đó ngân sách tỉnh khó khăn. Những đơn vị năm 2018 hoàn thành mà năm 2019 chưa đáp ứng được là do họ vượt về đích NTM trước 1 năm nên ngân sách chưa cân đối kịp, còn những đơn vị hoàn thành vào năm 2019 thì phải cân đối vào ngân sách của năm sau”.
Cũng theo ông Năng thì hiện nay, số tiền hơn 164 tỷ cần chi cho các đơn vị đạt NTM đã được văn phòng trình hội đồng duyệt và trong năm tới sẽ hỗ trợ đủ tới các đơn vị.
Bình Minh