1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước:

“Cần rà soát các chính sách đối với miền núi, vùng dân tộc thiểu số”

(Dân trí) - “Phương thức điều hành, thực hiện chính sách ở nước ta vẫn còn chồng chéo. Vấn đề xây dựng trường lớp là của Bộ Xây dựng trong khi Bộ Giáo dục - Đào tạo quản lý giáo viên nhưng lương và chính sách với giáo viên lại do Bộ Nội vụ quyết định..."

"Thực tế cho thấy phương thức điều hành, thực hiện chính sách ở nước ta vẫn còn chồng chéo. Vấn đề xây dựng trường lớp là của Bộ Xây dựng trong khi Bộ Giáo dục - Đào tạo quản lý giáo viên nhưng lương và chính sách với giáo viên lại do Bộ Nội vụ quyết định... Giờ cần đổi mới phương thức đó", ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định trong bài PV đầu xuân Ất Mùi trên báo Dân trí.

***

Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc
hội. 
Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. 

Chúng ta không thiếu những chính sách đầu tư cho miền núi nói chung cũng như cho giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Là một nhà hoạch định chính sách, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các chính sách này, thưa ông?

Các báo cáo gửi về Quốc hội đến nay cho thấy các chỉ số đạt được về giáo dục miền núi rất thấp, chất lượng cũng vào loại thấp nhất, điều này đúng trong tất cả các cấp học, bậc học. Lấy ví dụ ở bậc đại học thì tỷ lệ người dân tộc thiểu số đạt tới bậc học này cực thấp so với số dân, chưa kể tỷ lệ này thấp hơn tới cả chục lần so với dân tộc Kinh; tỷ lệ người lao động qua đào tạo, khu vực này chỉ được khoảng 10% trong khi trung bình cả nước là 40%.

Nhưng trên thực tế, chúng ta không thiếu những chương trình mục tiêu quốc gia, những chính sách dành cho khu vực này.

Đúng là không thiếu nhưng giải pháp thì phải nhìn nhận trong tổng thể xã hội, môi trường văn hóa, các điều kiện để phát triển giáo dục, cơ sở hạ tầng bố trí dân cư của vùng dân tộc thiểu số. Miền xuôi, thành phố có thể đi vài trăm mét là có trường học nhưng ở miền núi, các cháu phải ở lại trường cả tuần, cuối tuần mới được về nhà, thậm chí phải vượt núi, bơi qua sông để tới trường.

Quan điểm của ta về vấn đề dân tộc rất khác so với nhiều nước trên thế giới ở một điểm rất căn bản là chúng ta quyết thực hiện làm sao đưa các dân tộc thiểu số phát huy nội lực để vươn lên, hòa nhập được với sự phát triển chung của cả dân tộc. Ở các nước, nếu thấy khó quá thì sẽ hình thành ngay một khu vực bảo tồn dân tộc, để nhóm người đó tồn tại tự nhiên, thậm chí chỉ ở mức độ như thời nguyên thủy. Đó là vì đặc điểm hình thành dân tộc, các dân tộc trên đất nước Việt Nam có chung một vận mệnh lịch sử, cùng thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Là người có nhiều năm tham gia, lãnh đạo giải quyết các vấn đề dân tộc, miền núi, ông trăn trở với vấn đề gì nhất cũng như có yêu cầu gì với cơ quan điều hành để có thể gỡ được những vướng mắc như ông đã phân tích?

Trước hết phải lo tổng kết lại việc thực hiện khoảng 40 chính sách với khu vực miền núi, dân tộc thiểu số. Hiện những giải pháp, chương trình ở khu vực này, Hội đồng Dân tộc thực hiện giám sát đã phát hiện, kết luận là các chính sách đó trùng lặp về nội dung, chồng chéo về quản lý điều hành, gây lãng phí. Nguồn lực thì lớn nhưng hiệu quả thì rất thấp.

Thứ 2, chúng ta chưa chăm lo toàn diện về công tác giáo dục. Như vấn đề giáo viên ở miền núi. Thực tế, chất lượng giáo viên ở miền núi thường rất yếu, thậm chí chưa nói đến chuyện cô giáo là ''chị trẻ em''. Rồi các phòng thí nghiệm ở các trường, tổ chức quản lý học sinh ở vùng dân tộc như thế nào. Không thể nói 1-2 câu là ra vấn đề về chính sách. Việc đầu tiên là phải tổng kết, sau đó phải kết cấu, hoàn thiện lại xem cần bao nhiêu nhóm chính sách cho khu vực này, mỗi nhóm chính sách lại cần gì.

Thứ 3, việc áp dụng, thực hiện chính sách thì không nên cho dân tộc thiểu số là một mẫu số chung, dân tộc nào cũng giống nhau vì có những dân tộc trên lĩnh vực này kia họ rất khá. Ví dụ về giáo dục, người Mường, Nùng, Thái khá hơn rất nhiều so với các dân tộc thiểu số khác, có thể nói không thua kém người Kinh. Vậy mà họ cũng được hưởng các chính sách như những dân tộc khác, gây nên lãng phí. Đáng ra có thể dồn những chỗ đó để tập trung cho những dân tộc thực sự còn yếu kém về giáo dục. Chúng ta có quy luật phát triển không đồng đều, xảy ra ở tất cả các vùng, khu vực, nhóm dân cư. Chúng ta khi lãnh đạo xã hội phải chú ý đến đặc trưng này trong vấn đề thực hiện chính sách.

Hơn nữa, mọi chính sách đều không vĩnh cửu được. Tôi xem lại thấy có những chính sách đã thực hiện đến 40 năm nay, từ những năm 60 đến giờ, ví dụ chính sách cử tuyển, trường dân tộc nội trú... có từ rất lâu rồi, đến nay vẫn không thay đổi. Trước đây ta quy định trường dân tộc nội trú làm đến cấp 2, tức là các huyện đều có trường dân tộc nội trú nhưng hoàn cảnh đã khác, tất cả các xã đều đã phổ cập giáo dục cấp 2 rồi, phải nâng số lượng trường dân tộc nội trú cấp 3 lên mới đúng, đồng thời mở các hệ để các cháu dân tộc theo học, để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho khu vực. Nội dung các chính sách cần áp dụng trong từng giai đoạn, khi đã xong sứ mạng của mình thì cần được thay đổi phù hợp với quá trình phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phương Thảo - Phương Nhung