Cán bộ tham nhũng, hư hỏng, Tổng Bí thư không tán thành “đổ” cho cơ chế
(Dân trí) - Nói về việc chọn người đứng đầu làm “đầu tàu” chống tham nhũng, PGS.TS Vũ Văn Phúc đề cập việc Tổng Bí thư bày tỏ quan điểm không tán thành việc “đổ tội” cho cơ chế khiến cán bộ hỏng…
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương nêu vấn đề đó tại tọa đàm khoa học “Người đứng đầu với công tác phòng chống tham nhũng” do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức ngày hôm nay, 4/9.
Án tham nhũng, cấp trưởng “đổ” cho cấp phó và ngược lại
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nêu vấn đề, người đứng đầu có ý nghĩa quyết định đến quá trình triển khai nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác phòng chống tham nhũng. Chỉ khi nào người đứng đầu gương mẫu đi đầu, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng thì nơi đó tham nhũng xảy ra ít; và ngược lại ở đâu có biểu hiện buông lỏng, không muốn và không dám chống tham nhũng thì nơi đó tham nhũng diễn ra nghiêm trọng.
Theo Phó ban Nội chính Trung ương, những chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong cuộc chiến chống "giặc nội xâm".
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã rất kiên quyết, kiên trì chỉ đạo phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
Qua đó, xử lý nghiêm nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao có hành vi tham nhũng với tinh thần tích cực, khẩn trương, làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai; đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố; điều tra và đã có kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử.
“Chính phương châm chỉ đạo này của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã tạo bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao” - ông Nguyễn Thái Học khái quát.
Tuy nhiên, có một thực tế tồn tại là việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong nội bộ cơ quan đơn vị chưa tương xứng với số vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý. Trong 5 năm qua, chỉ có 140 người đứng đầu bị đề nghị xử lý trách nhiệm. Do đó cần nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong công tác phòng chống tham nhũng để tạo sự chuyển biến toàn diện hơn.
Cùng hướng phân tích này, Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, người đứng đầu là người cầm cờ thì phải đi đầu, gương mẫu, nói đi đôi với làm. Muốn cơ quan, đơn vị trong sạch, người đứng đầu phải làm sao chống được lợi ích nhóm.
“Qua các vụ án tham nhũng gần đây cho thấy thường là cấp trưởng thì đổ trách nhiệm cho cấp phó, cấp phó lại viện lý do là làm theo chỉ đạo của cấp trưởng. Vì vậy người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những vấn đề mà mình quản lý. Người đứng đầu được giao nhiệm vụ quyền hạn vậy kiểm soát việc sử dụng chức vụ quyền hạn đó như thế nào” - ông Thực nêu vấn đề.
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, có rất nhiều giải pháp được đề ra để phòng, chống tham nhũng, trong đó có nguyên tắc phát huy vai trò của người đứng đầu. Người dân vẫn nói, “Đảng viên đi trước làng nước theo sau”, cán bộ đi trước, nhân dân đi sau, người đứng đầu thế nào thì phong trào như thế. Cần xác định phát huy vai trò của người đứng đầu là vấn đề đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng.
Tựu chung lại, theo ông Phú, then chốt nằm ở khâu chọn người đứng đầu, trong đó, các tiêu chí “cần, kiệm, liêm chính”, trí dũng cần xem xét nghiêm túc vì có vậy mới đủ sức đấu tranh chống được tham nhũng. Theo đó, muốn chọn được đúng người đứng đầu cần đổi mới khâu tuyển cử, bổ nhiệm cán bộ làm người đứng đầu. Khi đã trao quyền thì cần tạo điều kiện để người lãnh đạo thực hiện quyền của mình và phải bảo vệ để họ dám thực hiện quyền của mình.
“Cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề quyền lực, không để lạm dụng, tha hóa quyền lực và có chế tài đủ mạnh để sàng lọc, xử lý nghiêm minh sai phạm. Khi chọn đúng người thì cần kiểm soát chặt chẽ để cá nhân đó không bị tha hóa quyền lực. Như trường hợp Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, khi tôi đang công tác ở Hà Nội (ông Phùng Hữu Phú từng là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội- PV) thì anh Chung còn đang là một cán bộ điều tra viên hình sự có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ rất giỏi, vậy mà giờ như thế này. Rõ ràng là cần kiểm soát chặt chẽ để cán bộ khi có quyền thì không bị tha hóa” - ông Phú nói.
Việc chọn người đứng đầu sao lại “lắt léo” như vậy?
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cũng dẫn vụ việc ông Nguyễn Đức Chung để phân tích: “Bây giờ mới lộ ra việc chính vợ ông Chung, rồi con trai ông Chung là những công ty sân sau lớn. Chủ tịch một thành phố lớn mà để vợ con đứng sau như thế!”.
Một vụ việc khác, chuyện bổ nhiệm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, ông Phúc nêu nghịch lý, 15 ngày trước, cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh biểu quyết 100% đưa ông Nguyễn Nhân Chinh (con trai Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này - ông Nguyễn Nhân Chiến- PV) làm Bí thư Thành ủy thành phố thuộc tỉnh. 15 ngày sau, cũng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh lại biểu quyết 100% tán thành đưa ông Chinh về làm Phó Giám đốc Sở.
Theo ông Phúc, các quy định của Đảng, quy định pháp luật tương đối đầy đủ, vậy sao vẫn có chuyện chọn người đứng đầu “lắt léo” như vậy? Làm sao phát huy vai trò với công cuộc phòng chống tham nhũng?
“Hôm qua xem tin tức thời sự, có cuộc làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. Tổng Bí thư nói rất gay gắt: “Các anh cứ nói cơ chế, tôi không tán thành đổ cho cơ chế. Cũng cơ chế sao có người làm tốt, có nơi không tham nhũng?” - ông Phúc chia sẻ suy nghĩ, mọi nghị quyết, quy định, mọi lý luận… sau cùng đều phụ thuộc vào người đứng đầu thực hiện như thế nào trong thực tiễn.
Ông Phúc lập luận, con người cụ thể, từ Trưởng phòng đến Vụ trưởng, Cục trưởng, Bộ trưởng… nếu làm không đúng theo quy định, không vượt lên chính mình thì có bàn bao nhiêu biện pháp đề phòng, ngăn chặn… cũng thế.
Tham gia ý kiến, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng đề nghị chọn 10 người từng là người đứng đầu cơ quan, đơn vị “đang bóc lịch” để xem lại quá trình trưởng thành của những người này thế nào, đánh giá việc chọn người đứng đầu như thế nào.
“Nghe các đồng chí nói về chuyện địa phương chưa đầy 2 tháng thay đổi 3 Bí thư thành ủy, đúng là kỳ lạ quá” - ông Hùng cảm thán.
Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương cũng thông tin, ông Nguyễn Đức Chung khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hà Nội, một Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy đến gặp ông, nói gần như khóc là “không thể nào chấp nhận được nhưng đành chịu”. Sự việc xảy ra với ông Chung, theo ông Vũ Quốc Hùng, nỗi đau chung là mất một con người, một anh hùng; điều day dứt hơn là công tác tổ chức, nhân sự sao lại để thành ra như vậy! Ông Hùng đề nghị tổng rà soát lại người đứng đầu có dư luận phản ảnh.